Những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ “núp bóng” hình thức đầu tư
Những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ “núp bóng” hình thức đầu tư

Đầu năm 2023, hình ảnh những đoàn người đến khiếu nại tại văn phòng của Manulife tại Hà Nội cùng với băng rôn, khẩu hiệu “Manulife lừa đảo”, “Manulife và SCB lừa tiền”, “Bảo hiểm Manulife gian dối khách hàng”… đã không quá xa lạ với người dân sinh sống ở gần khu vực này.

Qua tìm hiểu, được biết những người ở đây hầu như chưa hề quen biết nhau từ trước. Họ chỉ biết đến nhau sau nhiều lần yêu cầu làm việc với hãng, nhưng không được giải quyết thỏa đáng, dần lại thành quen nhau. Từ đó, họ họp nhau lại, cùng lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, vì cho rằng đi đơn lẻ, cá nhân sẽ không được giải quyết.

Chỉ tính riêng trong buổi sáng ngày 19/5 mới đây, tổng số lượng đơn khiếu nại đã đạt được đến con số là 96. Theo tìm hiểu, ngoài đoàn người này, nhiều nhóm khách hàng khác cũng được tập hợp, và số lượng người mỗi nhóm cũng lên đến khoảng 60-70 người.

Mặc dù con số lớn, nhưng theo chia sẻ, tất cả mọi người đến đây đều cho rằng, họ đang bị bảo hiểm Manulife và SCB lừa theo cùng một “bẫy” tương đồng.

Trước đó, khi đến làm việc tại SCB, các khách hàng này đã được nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn tham gia hợp đồng với tên “Tâm an đầu tư” như một hình thức gửi tiết kiệm, với cam kết mức lãi suất hấp dẫn.

Hình ảnh đoàn người đến khiếu nại tại văn phòng của Manulife tại Hà Nội
Hình ảnh đoàn người đến khiếu nại tại văn phòng của Manulife tại Hà Nội

Vì tin tưởng vào ngân hàng SCB, rất nhiều người đã tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, một thời gian sau, những người này nhận được thông báo từ Manulife yêu cầu đóng phí duy trì hợp đồng bảo hiểm. Lúc này khách hàng mới biết mình không hề tham gia gói đầu tư kinh doanh như nhân viên tư vấn, mà là mua bảo hiểm của Manulife. Và trong trường hợp khách hàng không đóng tiền tiếp thì số tiền đã đầu tư trước đó sẽ bị mất.

Ông Trịnh Quang Hưng (Hà Nội) cho hay, khi đến đáo hạn khoản tiết kiệm tại SCB, ông được nhân viên tại đây tư vấn mức lãi suất cho hình thức đầu tư mới là 9,5%, trong khi trước đó ông đang được áp dụng mức lãi suất là khoảng gần 7%.

“Ngay từ đầu tôi đã nói sẽ không tham gia bảo hiểm, nhưng tư vấn viên khẳng định chắc chắn đây là khoản đầu tư sinh lời. Chỉ cần đóng phí cố định, 6 năm sau sẽ được rút tất cả gốc cả lãi. Gần đây tôi mới biết rằng kể cả 6 năm sau rút, chúng tôi cũng mất rất nhiều, phí gốc cũng không đảm bảo được hoàn lại. Vậy chẳng khác nào là lừa dối khách hàng”, ông Hưng bức xúc.

“Từ đầu tôi chỉ làm việc với nhân viên ngân hàng SCB chứ chưa hề gặp gỡ bất kỳ nhân viên nào của công ty Manulife. Nào ngờ đây lại là kế hoạch được đào tạo bài bản, lừa đảo trên toàn hệ thống rồi. Từ hy vọng nhận lãi cao, giờ lại mất ăn mất ngủ vì sợ mất trắng số tiền đã gửi”, chị Thảo, một trong những khách hàng bất đắc dĩ của Manulife chia sẻ.

Chị Thảo cũng cho hay, đây là lần thứ hai chị đến Manulife yêu cầu hủy hợp đồng, hoàn tiền phí đã đóng. Đến đây, chị mới vỡ lẽ, không chỉ có chị, mà rất nhiều người cũng bị lừa dưới cùng một chiêu bài.

Tình trạng người dân tụ tập kéo dài trước sảnh văn phòng làm việc của Manulife gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các tư vấn viên tài chính, uy tín, sức cạnh tranh của Manulife.

Quan trọng hơn, sau nhiều vụ kiện cáo, bức xúc của khách hàng đã khiến nhiều người phải nghi ngại vào bảo hiểm nhân thọ - một sản phẩm mà bản chất của nó vốn mang tính nhân văn, cần thiết.

Trước làn sóng khiếu nại của người dân, Manulife buộc phải tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với khách hàng để giải quyết các khiếu nại liên quan đến sản phẩm "Tâm an đầu tư" phân phối qua Ngân hàng SCB. Theo báo cáo của hãng, tính đến ngày 31/5, đã tiếp nhận 6060 hợp đồng. Số khiếu nại mà đơn vị đã hoàn thành giải quyết là 3553 hợp đồng, đã hoàn trả số tiền hơn 800 tỷ đồng cho khách hàng. Hiện Manulife đang tiếp tục giải quyết 2507 hợp đồng.

Bàn về vấn đề này, tại thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội sáng ngày 31/5 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trước các đơn thư tố cáo, phản ánh của dư luận thời gian qua, Bà đồng thời kiến nghị Bộ Công an cần xác minh làm rõ, liệu có hay không dấu hiệu của tội lừa đảo hay tội lừa dối khách hàng. Cũng theo bà, các công ty bảo hiểm cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn đến ký kết và giải quyết khiếu nại của khách hàng. Chỉ khi thực sự minh bạch thì người dân mới không quay lưng lại với bảo hiểm.

Tại thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội diễn ra vào ngày 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đã kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư
Tại thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội diễn ra vào ngày 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đã kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư
Xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm
Theo https://baodantoc.vn/nhung-hop-dong-bao-hiem-nhan-tho-nup-bong-hinh-thuc-dau-tu-1687138807072.htm