Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước hoàn thiện
Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện các quy định về tài chính đất đai theo Luật Đất đai năm 2013, công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Trong đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước.
Gần đây, tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và các địa phương triển khai quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng đánh giá, chính sách ưu đãi về thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Chính sách ưu đãi về đất đai đối với nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, cùng với Luật Đất đai năm 2013, chính sách tài chính về đất đai cũng bộc lộ một số hạn chế. Vì vậy, năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có những nội dung đổi mới liên quan đến chính sách tài chính về đất đai, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2024/NĐ-CP quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Theo Thứ trưởng, Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân đặt nhiều kỳ vọng vào Luật Đất đai mới và các nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có các nghị định do Bộ Tài chính được giao xây dựng. “Với nhiều chính sách mới, mang tính đột phát, Bộ Tài chính kỳ vọng nghị định sẽ tác động lan toả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát huy nguồn lực đất đai, công khai, minh bạch, rõ ràng, giảm được nhiều thủ tục hành chính. Mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp, người dân.”
Nhấn mạnh thêm về yếu tố công khai, minh bạch và phân cấp uỷ quyền mạnh mẽ tại nghị định do Bộ Tài chính xây dựng, Thứ trưởng nêu rõ, đi đôi với phân cấp uỷ quyền là xác định trách nhiệm cũng như bổ sung nguồn lực để cấp có thẩm quyền đủ năng lực, điều kiện tổ chức triển khai thực hiện.
Đảm bảo khung giá đất chính xác, hiệu quả
Về các chính sách mới liên quan đến quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, cách tính, thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và quy định chuyển tiếp về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực.
Theo đó, đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất một năm là từ 0,25% đến 3%. Mức tỷ lệ % tối thiểu này thấp hơn hoặc bằng so với mức quy định của pháp luật đất đai năm 2013. Căn cứ vào thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất, mức tỷ lệ % thu đối với đất xây dựng công trình ngầm, mức tỷ lệ % thu đối với đất có mặt nước và quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi xin ý kiến của HĐND cùng cấp. Nghị định số 103/2024/NĐ-CP quy định trách nhiệm của cơ quan tài chính trong việc chủ trì xây dựng và trình UBND cấp tỉnh quy định các mức tỷ lệ % cụ thể để xác định đơn giá thuê đất.
Do vậy, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thoa đã đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành các mức tỷ lệ % tính thu tiền thuê đất để áp dụng tính thu tiền thuê đất đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024, trường hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thực tế hiện nay, quy trình định giá đất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, thông qua kết quả định giá giúp cho Nhà nước và người sử dụng đất quyết định đúng trong quản lý, kinh doanh và trong các giao dịch dân sự. Điều này đòi hỏi một hệ thống khung giá đất chính xác, hiệu quả và sát với giá thị trường.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết, một trong các căn cứ quan trọng để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là giá đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất.
Cụ thể, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trình tự điều chỉnh bảng giá đất đối với trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP.
“Các mức thu tiền sử dụng đất, mức tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất được cân đối theo ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và có tính đến yếu tố đổi mới trong quy định về giá đất nêu trên”, bà Nguyễn Thị Thoa cho hay. Đối với vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát để quy định bảng giá đất theo đúng Luật Đất đai năm 2024 và hướng dẫn tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP để áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến trước ngày 1/1/2026 (ngày áp dụng bảng giá đất được xây dựng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024).
Đối với vấn đề miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Luật Đất đai năm 2024 quy định trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn. Cụ thể, người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Nghị định số 103/2024/NĐ-CP đã quy định cơ quan có chức năng quản lý đất đai, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm hàng năm, thống kê, tổng hợp các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất và thông báo cho các cơ quan có liên quan để thực hiện việc quản lý, xử lý trong trường hợp có vi phạm hoặc không đáp ứng điều kiện để được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.