Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 27/10 tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, thời gian qua, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao.

NHNN cho biết, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN). Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Tại Hội thảo, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, là ngân hàng ưu tiên tập trung vốn tín dụng tài trợ các dự án tín dụng xanh và đã đạt được nhiều kết quả, BIDV đã có tầm nhìn chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm dần nguồn vốn tài trợ cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững để hỗ trợ triển khai nguồn vốn xanh và bền vững về Việt Nam. Tính tới 30/09/2022, BIDV hiện dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh với 1.210 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ BIDV.

Dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam được đánh giá là chưa nhanh như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới. Theo đó, đề xuất về chính sách khuyến khích phát triển các dự án xanh cũng như đẩy mạnh hoạt động tài chính xanh thời gian tới, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Như Quỳnh cho biết, chính sách cần tập trung 2 công cụ. Một mặt cần có chế tài xử phạt các doanh nghiệp có vi phạm môi trường và mặt khác cần khuyến khích các doanh nghiệp có các dự án xanh, thân thiện môi trường.

Đại diện NHNNN cũng cho rằng, để đẩy mạnh tín dụng xanh, ngân hàng xanh trong thời gian tới, cần có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực…/.

M.P
Theo https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-tin-dung-xanh-huong-toi-phat-trien-ben-vung-622978.html