Lực lượng QLTT tỉnh Gia Lai thu giữ hàng nghìn chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. (Nguồn: tuoitre.vn).  

Trước hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi phản hồi về những lo lắng đối điều kiện sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng đối với người tiêu dùng và đề nghị cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xử lý. Vậy, hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu làm giả sẽ đối diện với mức xử lý thế nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để làm rõ.

 Theo luật sư Đặng Văn Tiến, thời gian qua, lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng phải căng mình trong công tác phòng chống dịch thì một số đối tượng đã câu kết thực hiện hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu làm giả để “tuồn” ra thị trường để kiếm lời. Không chỉ số lượng nhỏ lẻ, mà có những vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, số lượng hàng hóa bị lập biên bản thu giữ lên tới hàng nghìn chiếc bánh các loại, với giá trị hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, điều đáng lên án là việc có chủ hàng thuê xe "luồng xanh" để vận chuyển bánh Trung thu đi tiêu thụ. Đây là hành vi không được pháp luật cho phép và trong văn bản pháp quy cũng quy định rất rõ chế tài xử phạt với hành vi tương xứng.

 Đơn cử như ngày 9/9, qua kiểm tra đột xuất phương tiện vận tải xe "luồng xanh" trên địa bàn huyện Đức Cơ, đội QLTT số 3, Cục QLTT Gia Lai phát hiện và tạm giữ 139kg sản phẩm thực phẩm bánh Trung thu được đóng gói trong 59 thùng, với tổng cộng trên 3.000 cái bánh Trung thu các loại. Cụ thể, lô hàng gồm có 64kg bánh trôi khô nhãn hiệu GANCHI TANGYUAN, 60kg bánh ngọt nhân lòng đỏ trứng nhãn hiệu Aidebao và 15kg bánh nhãn hiệu JZYUKANG. Toàn bộ số hàng hóa trên là bánh Trung thu có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Qua làm việc, chủ lô hàng thừa nhận cấu kết với một số đối tượng sản xuất, đóng gói số hàng này và lợi dụng phương tiện vận tải xe "luồng xanh" vận chuyển đi các địa phương lân cận để bán kiếm lời.

 Phân tích nội dung vụ việc dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến cho rằng, trường hợp khi cơ quan chức năng điều tra, làm rõ đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi vi phạm nghiêm trọng mà mình gây ra. Theo đó, dựa theo Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì đối tượng vi phạm có thể sẽ bị xử lý dựa theo “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, quy định tại Điều 192, Mục 1, Chương XVIII, Bộ luật hình sự 2015; sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 3 Điều 192, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Cụ thể:

 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

 c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 g) Làm chết người;

 h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

 l) Buôn bán qua biên giới;

 m) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

 c) Làm chết 02 người trở lên;

 d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

 đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”;

 “Như vậy, cơ sở pháp lý đã quy định rõ ràng về các mức xử lý về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, do đó, trên cơ sở xem xét cơ quan chức năng có thể ban hành các mức xử phạt tương đương. Hành động xử lý của cơ quan chức năng ngoài việc mang tính răn đe, cảnh tỉnh còn có ý nghĩa thực sự cần thiết là bảo đảm quyền lợi, điều kiện sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, những đối tượng vi phạm cần phải bị lên án và xử lý. Tuy nhiên, quá trình xử lý của cơ quan chức năng còn phụ thuộc vào những yếu tố khác liên quan, do đó, việc dư luận quan tâm, lo lắng và lên án kịp thời là cơ sở để xem xét, sớm giải quyết triệt để.” – luật sư Đặng Văn Tiến cho biết thêm./.

Trường Quân
Theo https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/san-xuat-buon-ban-banh-trung-thu-gia-doi-dien-hinh-phat-nao-591581.html