Công ty tư vấn Oxford Economics nhận định rằng trong khi trao đổi thương mại thế giới giảm 7,8% trong năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 6,9% là con số lạc quan. Điểm đáng chú ý khác là tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam tăng 0,5%, góp phầm làm tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất và chế tạo toàn cầu.

Theo Oxford Economics, “Việt Nam sẽ hưởng lợi về nhu cầu gia tăng đối với hàng điện tử toàn cầu và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này”.

Ngoài máy tính và hàng điện tử khác, văn phòng phẩm, nội thất văn phòng là những mặt hàng có nhu cầu tăng trong bối cảnh nhu cầu làm việc từ nhà trên toàn cầu ngày càng phổ biến, mặc dù nhu cầu này sẽ giảm trong năm nay khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Việc khôi phục trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch COVID-19 cũng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại thế giới và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ khu vực xuất khẩu. Gói kích cầu kinh tế 1.900 tỷ USD của Mỹ nhiều khả năng làm tăng nhu cầu của nước này nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Bài viết đăng trên trang mạng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ và các biện pháp chống dịch hiệu quả đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19 và góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ “ổn định” lên “tích cực”.

Tháng 12/2019, trước khi quyết định điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “triển vọng” lên “ổn định” vào tháng 4/2020 trong bối cảnh bất ổn bắt nguồn từ đại dịch, Fitch đã dự đoán nợ công/GDP của Chính phủ của Việt Nam ở mức 40,3% GDP vào năm 2021, so với mức trung bình 41,7% cho các hồ sơ quốc gia xếp hạng BB và 43,8% cho các hồ sơ xếp hạng BBB.

Tác giả bài viết nhận định vị thế tài chính được cải thiện phản ánh sức mạnh kinh tế lớn hơn của Việt Nam. Thu nhập từ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, song các bộ phận khác của nền kinh tế vẫn vững chắc.

Fitch kỳ vọng Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng mạnh, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022, nhờ việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư. Gói tài chính hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch trị giá khoảng 292.000 tỷ đồng (khoảng 3,6% GDP năm 2020) sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng.

Trong quý I/2021, xuất khẩu hàng hóa tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ tăng trưởng GDP thực tế trong quý là 4,5% so với cùng kỳ.

Trước đó, trang Vietnam Briefing của hãng Dezan Shira & Associates (chuyên tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư trên khắp châu Á) đăng bài viết về sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc làm rõ sự khác biệt của chuỗi cung ứng của Việt Nam so với các nước khác.

Với việc chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đã từng bước trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử nổi bật, đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN về xuất khẩu hàng điện tử vào năm 2019.

Bài viết cũng lưu ý Việt Nam vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phải giải quyết một số thách thức về giao vận và cơ sở hạ tầng.

An Bình 

Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Tang-truong-Viet-Nam-them-dong-luc-tu-chuoi-cung-ung-toan-cau/429573.vgp