Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Đình Nam


Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch quốc tế (UNWTO), trong bối cảnh nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để ứng phó với COVID-19, khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giảm 70% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 700 triệu lượt khách và 730 tỷ USD doanh thu du lịch. Tổn thất này cao gấp 8 lần so với tổn thất của năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tổ chức này đánh giá, thị trường du lịch nội địa lớn gấp 6 lần thị trường du lịch quốc tế với ước tính 9 tỷ chuyến đi trong năm 2018, trong đó 50% các chuyến đi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, những quốc gia có du lịch nội địa chiếm tỷ trọng cao sẽ hồi phục sớm hơn và nhanh hơn sau COVID-19.

Khôi phục nhờ kích cầu thị trường nội địa

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ những đánh giá cho rằng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch Việt Nam.

Dự báo hết năm 2020, khách du lịch quốc tế sẽ giảm trên 80%, khách du lịch nội địa mặc dù có tín hiệu tích cực hơn sau một số chương trình kích cầu của ngành du lịch nhưng cũng ước giảm khoảng 50%.

Khoảng 95% DN lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mục tiêu kinh doanh, giảm nhân viên. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc. Các chuỗi dịch vụ dưới tác động lan tỏa từ hoạt động du lịch như cung cấp thực phẩm, nông sản, sản xuất đồ lưu niệm, trình diễn ca múa nhạc, vui chơi giải trí… đều chịu khủng hoảng chung do thiếu hụt nguồn chi trả.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”, các Chương trình kích cầu du lịch nội địa như “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” được đẩy mạnh triển khai, thu hút được sự hưởng ứng của nhiều địa phương trọng điểm, góp phần vừa quảng bá thành quả phòng chống, dịch COVID-19, vừa khuyến khích người dân trong nước tham gia hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết quả bước đầu cho thấy những tín hiệu đáng mừng, mặc dù thời điểm này theo thông lệ hằng năm là mùa thấp điểm của du lịch nội địa nhưng lượng khách du lịch nội địa đã gia tăng, tạo cơ sở cho hệ thống kinh doanh du lịch được duy trì, một số điểm đến du lịch có khách trở lại để duy trì chuỗi cung ứng dịch vụ từ các tác động lan tỏa.

Du lịch không 'ngồi chờ' vaccine

Ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Minh đã chia sẻ các giải pháp chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau đại dịch.

Cụ thể gồm ba giải pháp chính. Đó là phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng thu của ngành du lịch trong 2-3 năm tới. Thứ hai là tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine COVID-19. Thứ ba là các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.

Hiện nay, các DN đang cần có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường, tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine.

Nhiều sản phẩm du lịch được giới thiệu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong khi đó, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch.

Qua khảo sát của Saigontourist, bên cạnh lo lắng sức khỏe, người dân còn lo lắng về tài chính, làm sao có thể về nhà an toàn, “đi đến nơi, về đến chốn". Các bộ ngành, địa phương nên có cơ chế kịch bản phối hợp, ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay khi xuất hiện ca nhiễm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển. Ngành du lịch Việt Nam cần "sống chung với lũ", linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề có thể xảy đến. Khi dịch bệnh kiểm soát được, ngành du lịch lập tức mở cửa trở lại.

Đại diện một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Giám đốc Điều hành Hãng hàng không Vietjet Đinh Việt Phương cho rằng để hàng không, du lịch cất cánh trở lại, nhanh chóng lấy lại vị thế mũi nhọn kinh tế đất nước, cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN hàng không, du lịch.

Những chính sách hỗ trợ về chính sách, thuế, miễn giảm các loại thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi dành cho DN của Chính phủ chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính giúp DN có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển.

Việc đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động cũng như mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, đặc biệt trong một bối cảnh kinh doanh hoàn toàn khác biệt hiện nay.

“Việc chúng ta cần làm là làm sao để các sản phẩm du lịch của chúng ta hấp dẫn hơn, thu hút hơn với người dân, du khách, để du khách không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa. Đồng thời, các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch cũng phải được đặt là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch phát triển, nhất định không lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh và các hãng hàng không sẽ là đơn vị tuyến đầu đảm bảo an toàn cho hành khách và hỗ trợ các địa phương”, ông Đinh Việt Phương nói.

Đồng tình với nhận định này, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho biết, quá trình chuyển đổi số cũng đang được coi là một trong những hoạt động quan trọng của các DN, đặc biệt với DN du lịch. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp DN xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.

Vinpearl đã  đẩy mạnh bán hàng trên kênh trực tuyến và đạt mức tăng trưởng 300% trong năm 2020, dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng 300% trong năm 2021.

Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách; đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung…

“DN du lịch Việt Nam tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi số, từ đó không chỉ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, mà còn tăng tối đa sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Lê Khắc Hiệp bày tỏ.

Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Sun World Holding (tập đoàn Sun Group) nhận xét, qua đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng của du khách đã thay đổi, hướng đến những sản phẩm du lịch sức khoẻ, sinh thái, trải nghiệm cùng gia đình, người thân… Vì vậy, các DN cần tạo ra những sản phẩm độc đáo để tăng thời gian trải nghiệm, thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, nhân lực làm du lịch hết sức quan trọng.

Chúng ta cũng cần phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường. Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm DN - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi DN, mỗi điểm đến và mỗi địa phương.

Thiện Tâm

Theo http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Tao-song-lon-phuc-hoi-du-lich-khong-ngoi-cho-vaccine-COVID19/415428.vgp