Để  thực hiện đồng bộ, kịp thời, thống nhất, có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai phổ biến, tuyên truyền thi hành Luật bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật, từng bước đưa Luật vào cuộc sống.
 
    Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tập huấn Luật; Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục để phản ánh tình hình triển khai thi hành Luật tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
 
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, tại điểm cầu Thái Bình (tháng 7/2020)
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, tại điểm cầu Thái Bình (tháng 7/2020)
    Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, thống kê những văn bản có liên quan cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp với quy định hiện hành, gửi cơ quan cấp trên theo quy định; tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm hòa giải viên tại Tòa án bảo đảm quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng biên soạn tài liệu phục vụ việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu Luật; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán, thư ký, hòa giải viên tại Tòa án; chủ động báo cáo Tòa án nhân dân tối cao trong việc sắp xếp, bố trí diện tích phòng làm việc phù hợp và các điều kiện cần thiết khác theo đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật tại tòa án nhân dân các cấp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại, giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, kinh doanh thương mại; tăng cường phối hợp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật; thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc áp dụng Luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
 
    Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh theo hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai, tuyên truyền thi hành Luật thuộc ngành mình; phối hợp với Tòa án trong quá trình triển khai thực hiện Luật.
 
    Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tăng cường công tác phối hợp, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân; giám sát, phản biện trong quá trình triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh.
 
    Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt việc học tập, tuyên truyền và triển khai thi hành Luật ở địa phương, đơn vị mình; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thi hành Luật; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành Luật tại địa phương, đơn vị.
 
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh bổ sung nội dung triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp hằng năm; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành Luật và định kỳ báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cù Tất Dũng
Theo http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-dia-phuong/202008/thai-binh-quan-triet-trien-khai-thi-hanh-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-308439/