Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở NHNN Việt Nam ở Hà Nội với các chi nhánh NHNN tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính và cơ quan, đơn vị liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về những vấn đề trọng tâm như: Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để bảo đảm hài hoà mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích tình hình, bối cảnh của năm 2022, khi hậu quả của dịch COVID-19 chưa được khắc phục xong, sức khỏe của nền kinh tế, doanh nghiệp và các ngân hàng bị ảnh hưởng; xung đột tại Ukraine tác động sâu sắc, toàn diện tới tình hình thế giới; việc đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát trên thế giới và chính sách chống lạm phát của nhiều nước tác động tới giá trị đồng tiền Việt Nam.

Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự phối hợp, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2022, đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu và kết quả khá toàn diện của đất nước. 

Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, liên quan tới toàn dân, tới tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng phát triển được là nhờ sự phát triển của doanh nghiệp, nhờ sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và ngược lại, ngân hàng phát triển cũng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. 

Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của ngành ngân hàng, Thủ tướng đánh giá, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngành ngân hàng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh như mở rộng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tích cực, chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các lĩnh vực gặp khó khăn.

Đến ngày 19/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,75 triệu tỷ đồng, tăng 12,54% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/11/2022 đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng ngày càng được tăng cường. Tích cực chỉ đạo, triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tín dụng khác. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai Basel II để đáp ứng các thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm, các tổ chức tín dụng yếu kém đang được xử lý tích cực.

NHNN chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và ngân hàng bảo đảm tiến độ và chất lượng: Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền; khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng nâng cao bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, minh bạch hóa thị trường, chống sở hữu chéo, lợi ích nhóm để phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm và phòng ngừa rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh theo đúng quy luật của thị trường.

Ngành ngân hàng tiếp tục đi đầu trong chuyển đổi số, NHNN được xếp vị trí thứ 1 về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ 2 về chỉ số thể chế số và xếp thứ 4 về chỉ số hoạt động chuyển đổi số. Công tác truyền thông chính sách có nhiều đổi mới và hiệu quả. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam tại các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, ngành ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cố gắng hơn nữa về công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ, phối hợp giữa các chính sách, giữa các ngân hàng thương mại; hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn còn có rủi ro; chuyển đổi số cần nỗ lực hơn nữa…

Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng cơ bản đồng ý với báo cáo của NHNN và ý kiến của các đại biểu về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, đồng thời lưu ý thêm một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, NHNN cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm nay và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào.

Cùng với đó, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp. 

Đồng thời, tăng cường, củng cố công tác thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và  bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, khắc phục các sơ hở, hạn chế bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Các ngân hàng thương mại cần tích cực tham gia công tác này bằng việc chỉ ra các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách từ thực tiễn hoạt động để các cấp có thẩm quyền xử lý. Nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Tiếp tục phấn đấu đi đầu trong cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các quy trình, thủ tục về tín dụng, ngân hàng, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp hơn.

Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể. Củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát.

Ngành ngân hàng cần nỗ lực giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế. Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan phấn đấu "phủ sóng" toàn bộ 266 thôn bản trên toàn quốc còn thiếu điện, thiếu sóng viễn thông trong năm 2023, ngành ngân hàng cũng cần nỗ lực tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các địa điểm này, cố gắng mỗi người dân có 1 tài khoản ngân hàng.

Cùng với đó, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội đối với chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của NHNN. Tăng cường đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ nhân lực ngành ngân hàng.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

PV

Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-du-hoi-nghi-tong-ket-nam-2022-trien-khai-nhiem-vu-ngan-hang-nam-2023-102221229095418954.htm