Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt giúp nâng cao hiệu quả thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy không tiền mặt, an toàn; lưu thông hàng hóa không tiền mặt, nâng cao quản lý nhà nước trong hoạt động thuế…

Sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán qua internet, điện thoại di động… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm minh bạch các hoạt động thanh toán, phục vụ nhu cầu chi trả hằng ngày của toàn xã hội.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi, ăn theo những tiện ích của thanh toán không tiền mặt. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với báo Tuổi trẻ, Napas, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

Chẳng hạn, về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm mạnh tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Năm 2023, tỉ lệ thu-chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu-chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực công thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, thời gian qua, Bộ này cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến; ban hành khung pháp lý, tuyên truyền người dân khuyến khích không tiền mặt qua sự kiện Tuần lễ không tiền mặt, Ngày mua sắm quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong thanh toán không tiền mặt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, hiện nay, thanh toán không tiền mặt chỉ chiếm 50% trong thương mại điện tử, do đó nhu cầu thanh toán không tiền mặt thương mại điện tử là rất lớn. Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thúc đẩy và để người dân tin tưởng mua sắm không tiền mặt, bảo vệ tuyệt đối người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), để tăng cường bảo mật, từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Theo https://tapchitaichinh.vn/thuc-day-phat-trien-giao-dich-khong-tien-mat-an-toan-hieu-qua.html