Năm 2022, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng chịu tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-9 và giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng trực tiếp hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. 

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đến nay, tổng đàn lợn của cả nước khoảng 28,6 triệu con, tăng 3,2%; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con, tăng 1,4%; đàn bò khoảng 6,53 triệu con, tăng 1,9%. Sản lượng thịt hơi khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%...

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, hoạt động sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi có nhiều cơ hội phát triển; vì vậy, cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời có các cơ chế thu hút sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ông Thắng nhấn mạnh: "Về sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào như ngô, khô dầu đậu tương trong nước mới chỉ đáp ứng từ 30% đến 35%. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị trong Bộ và liên kết với một số Tập đoàn triển khai mô hình liên kết sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Cục cũng làm việc với một số địa phương có lợi thế khác để phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, từng bước chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu".

Hình ảnh: Thúc đẩy xúc tiến thương mại, gỡ khó cho ngành chăn nuôi số 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, tăng trưởng của ngành chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Đến nay, ngành chăn nuôi đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu như: Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc; thịt gà sang Nhật Bản, thịt lợn, sữa sang Hongkong (Trung Quốc), thịt lợn mảnh sang Hàn Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Một trong những yếu tố quan trọng là phải xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn về các hàng rào kỹ thuật và mở rộng được thị phần, thị trường ở các nước".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ tin tưởng vào những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt trong ngành chăn nuôi có đủ năng lực để chế biến và chế biến sâu, có nhiều sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đây cũng chính là động lực và giải pháp quan trọng để "kéo" tăng trưởng chăn nuôi trong giai đoạn tới.

Đỗ Hương

Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/thuc-day-xuc-tien-thuong-mai-go-kho-cho-nganh-chan-nuoi-102221228175433185.htm