Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

Trước tiên, huyện đã xác định việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu quan trọng, để các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Qua đó, tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động của Nhân dân trong việc chung tay thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để hoạt động PBGDPL đạt hiệu quả cao,các địa phương đã lựa chọn nhiều hình thức PBGDPL cho người dân tại thôn, bản
Để hoạt động PBGDPL đạt hiệu quả cao,các địa phương đã lựa chọn nhiều hình thức PBGDPL cho người dân tại thôn, bản

Từ quan điểm thống nhất này, huyện Thường Xuân đã kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL, với 100% thành viên có trình độ chuyên môn về luật; các tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở, cũng là những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong thôn, bản và cộng đồng dân cư. Hiện Hội đồng phối PBGDPL huyện Thường Xuân có 27 thành viên, số lượng tuyên truyền viên pháp luật của huyện là 277 người.

Công tác truyền thông được thực hiện qua các hội nghị cung cấp thông tin; hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật, cán bộ thôn, Người có uy tín. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được gần 290 hội nghị tuyên truyền pháp luật trực tiếp, thu hút được gần 7.300 lượt người tham dự, cấp phát miễn phí gần 1.000 tài liệu.

Tại các hội nghị, các tuyên truyền viên đã thông tin đến các đại biểu những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà ; các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Từ đó, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn; đặc biệt là các quy định của pháp luật có liên quan đến đời sống, quyền, nghĩa vụ của người dân; trách nhiệm của các cấp, các ngành và trách nhiệm công dân đối với công tác dân tộc và các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc về chấp hành pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh

Hiệu quả từ thực tiễn

Từ thực tiễn đã có nhiều mô hình hay, những điển hình đi đầu thực hiện các phong trào hoạt động ở cơ sở để đồng bào làm theo. Như ông Lương Văn Long, dân tộc Thái, Trưởng dòng họ Lương, xã Luận Khê.

Ông Long chia sẻ, được tham dự các hội nghị tập huấn, PBGDPL, ông Long có thêm nhiều thông tin, kiến thức, qua đó tích cực vận động, giáo dục các thành viên trong họ chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, các quy định của địa phương, hương ước của thôn. Đồng thời, ông động viên, khuyến khích các gia đình trong dòng họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động. Những năm qua, từ quỹ đóng góp trong dòng họ đã khen thưởng, động viên cho hơn 100 cháu có thành tích trong học tập; tham gia hòa giải thành công 8 vụ mâu thuẫn, xích mích nhỏ.

Ông Vi Văn Sáng, Bí thư kiêm trưởng thôn Khẹo, xã Bát Mọt, xem Tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn như một người bạn đồng hành
Ông Vi Văn Sáng, Bí thư kiêm trưởng thôn Khẹo, xã Bát Mọt, xem Tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn như một người bạn đồng hành

Hay như ông Vi Văn Sáng, dân tộc Thái, Bí thư kiêm Trưởng thôn Khẹo, xã Bát Mọt, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, tích cực nghiên cứu văn bản, tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân, xây dựng kế hoạch sát thực tiễn để lãnh đạo, phân công đảng viên tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ...Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT của thôn Khẹo được nâng lên rõ rệt.

Ông Phan Văn Tỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết: Để hoạt động PBGDPL đạt hiệu quả cao, xã đã lựa chọn nhiều hình thức PBGDPL hòa giải ở cơ sở đến cán bộ, công chức, viên chức, tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản và những Người có uy tín trong dòng họ, trong vùng đồng bào các dân tộc để vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe, không tin theo lời kẻ xấu, không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để săn bắt trái phép; tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tăng cường các hình thức tuyên truyền pháp luật

Những năm qua, bên cạnh việc tăng cường quyền tiếp cận thông tin chính sách pháp luật qua các hội nghị tập huấn đến đồng bào DTTS, huyện Thường Xuân đang tiếp tục duy trì, làm giàu Tủ sách pháp luật tại các thôn đặc biệt khó khăn.

 Tại đây, công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu cho UBND cấp xã theo dõi, chỉ đạo việc rà soát sách, tài liệu có nội dung quy định pháp luật hết hiệu lực; luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu pháp luật tại điểm bưu điện - văn hóa xã hoặc trung tâm học tập cộng đồng với tủ sách tự quản ở cộng đồng và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác sách, tài liệu pháp luật trên địa bàn thôn, bản.

Huyện Thường Xuân trao Giấy khen của Chủ tịch UBND cho các cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn huyện
Huyện Thường Xuân trao Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho các cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn huyện

Ngoài ra, công tác hòa giải ở cơ sở cũng được quan tâm, chú trọng. Các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, hiện có 124 tổ hòa giải, 756 hòa giải viên hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Thường Xuân. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, các tổ hoà giải ở cơ sở đã phát huy tốt vai trò hòa giải viên cơ sở, đã tổ chức hòa giải thành 104/116 vụ, đạt 98,6% số vụ.

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân khẳng định: Với những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả của các cấp, ngành thời gian qua đã giúp cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Thường Xuân nâng cao nhận thức pháp luật. Qua bình xét, phân loại khu dân cư trên địa bàn xã có khoảng hơn 90% khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT.

Qua đó, các hành vi vị phạm pháp luật giảm dần, nhiều phong tục lạc hậu được xóa bỏ, giảm thiểu mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Người dân tích cực làm theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Thường Xuân (Thanh Hóa): Người dân vùng biên đoàn kết phát triển, giữ vững “phên giậu”
Theo https://baodantoc.vn/thuong-xuan-thanh-hoa-tang-cuong-quyen-tiep-can-thong-tin-chinh-sach-phap-luat-den-dong-bao-dtts-1699033593208.htm