Mức tăng trưởng cao nhất là ở mặt hàng cà phê, đạt 2,5 tỷ USD. Tiếp đó là xuất khẩu gạo, đạt 3 triệu tấn với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.

Bên cạnh mặt hàng cà phê và gạo có mức tăng trưởng ấn tượng, rau quả cũng là mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao là 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Theo nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, triển vọng xuất khẩu ngành Rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây…

Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ cũng đã lấy lại được đà tăng trưởng, số lượng đơn đặt hàng đã tăng trở lại, lượng hàng tồn kho đã giảm đáng kể. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 4,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dư địa vẫn còn lớn, đặc biệt đối với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là đồ nội thất bằng gỗ. Trong số các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng trưởng khả quan nhất, chiếm tới 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

 

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra dự báo khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 chắc chắn sẽ vượt 4,5 triệu tấn. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 5 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm gần 19% và Nhật Bản chiếm gần 7%.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, tính riêng tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%), đầu vào sản xuất 157 triệu USD (tăng 0,5%). Riêng thủy sản giảm 1,5% xuống 730 triệu USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, kết quả ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt được trong tháng 4 cũng như 4 tháng đầu năm 2024 đã có tăng trưởng đáng khích lệ, đồng đều trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội.

Trong thời gian tới, các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino trong năm 2024.

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị phải tập trung và hết sức nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị tổ chức thực hiện nhằm duy trì và phát huy hơn mức tăng trưởng trong các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp.

Theo https://tapchitaichinh.vn/tong-kim-ngach-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-dat-hon-19-ty-usd.html