Văn bản 5967/BYT-YDCT của Bộ Y tế

Ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký Công văn 5967/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; bệnh viện y học cổ truyền Bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền về việc thu hồi Công văn 5944/BYT-YDCT.

Trước đó, Công văn 5944/BYT-YDCT ngày 24/7 nêu rõ về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược, Bộ công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19, có thể kể tên như viên nang Kovir, hoạt huyết Nhất Nhất, Imboot...

Ngoài ra, hướng dẫn cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: sản phẩm sát khuẩn; thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe, trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng… của các sản phẩm này.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về Y tế trong đó có lĩnh vực Dược, cơ quan tham mưu chủ lực trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe toàn dân, việc Cục Quản lý y, dược cổ truyền với tư cách đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, Công văn 5944/BYT-YDCT đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhiều ý kiến cho rằng văn bản này thiếu tính khoa học và có phần "thiên vị" một số doanh nghiệp.

  Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP Hà Nội 

Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và người dân có quyền nghi ngờ mục đích của Công văn này bởi ít nhất 03 lý do sau: văn bản ban hành tại thời điểm có thể gọi là đỉnh của nhu cầu phòng, chống, điều trị bệnh COVID-19, nội dung văn bản chỉ rõ một số “tên thuốc” và “nhà sản xuất”, phụ lục danh sách 12 tên thuốc đính kèm không có chữ ký người ký công văn và dấu của Bộ Y tế.

Hiện chưa có con số thống kê chính xác, chi tiết về hậu quả vật chất và phi vật chất (lòng tin) đối với hiệu ứng của Công văn 5944/BYT-YDCT này (văn bản hiện đã được gỡ bỏ trên Cổng thông tin Bộ Y tế). Với tuổi thọ khoảng 48 giờ đồng hồ, nó khiến nhiều người dân lầm tưởng và không ít người vội vàng lao đi mua một số loại thuốc với giá "trên trời".

Vậy hậu quả xảy ra có liên quan đến hoặc phát sinh từ nội dung Công văn 5944, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Trước hết, đây là trách nhiệm của lãnh đạo Cục Quản lý y, dược cổ truyền với tư cách đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng, trong bối cảnh chống dịch bệnh như hiện nay, việc làm trên không nên lặp lại và cần sớm làm rõ động cơ, mục đích cũng như trách nhiệm của cơ quan tham mưu, đồng thời, tăng cường siết chặt kỷ cương hành chính, kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ tại nhiều Hội nghị chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh./.

Anh Tuấn
Theo https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/trach-nhiem-586660.html