Hình ảnh: Trẻ em ngay sau khi sinh ra được cấp mã thẻ bảo hiểm y tế tạm thời. số 1
(Ảnh: minh hoạ)
Trẻ em ngay sau khi sinh ra dù chưa làm giấy khai sinh cũng được cấp mã thẻ bảo hiểm y tế tạm thời. Đó là nội dung mới được hướng dẫn tại Thông tư 30/2020/TT-BYT nhằm thực thi một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP về BHYT và khắc phục một số khoảng trống thời gian khi trẻ chưa được làm giấy khai sinh.
Theo đó, Khoản 1 Điều 10 Thông tư này quy định: Trẻ sau khi sinh ra được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định của Luật BHYT, nhưng chưa được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT do chưa làm thủ tục cấp giấy khai sinh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ghi mã thẻ BHYT tạm thời, gồm các nội dung:
*Mã đối tượng: Ghi ký hiệu là TE.
*Mã mức hưởng quyền lợi BHYT: Ghi ký hiệu là số 1.
*Mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Ghi theo quy định tại Quyết định 124/2004/QĐ-TTg nơi người mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp cư trú hoặc nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở đối với trường hợp trẻ sơ sinh không có người nhận hoặc bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
*Mã định danh y tế: Ghi theo quy định tại Quyết định 2153/QĐ-BYT năm 2020.
Hình ảnh: Trẻ em ngay sau khi sinh ra được cấp mã thẻ bảo hiểm y tế tạm thời. số 2
(Ảnh: minh hoạ)
Theo các quy định hiện hành, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí sau khi làm giấy khai sinh. Với quy định mới này, trẻ em ngay khi sinh ra dù chưa làm giấy khai sinh cũng được cấp mã thẻ BHYT tạm thời. Việc ghi tên trong hồ sơ bệnh án để khám bệnh, chữa bệnh và trích chuyển dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với trẻ sơ sinh chưa có họ và tên thực hiện như sau:
*Nếu trẻ sơ sinh có mẹ hoặc bố: ghi theo họ và tên của mẹ hoặc bố.
*Nếu trẻ sơ sinh không có mẹ hoặc bố nhưng có người giám hộ: ghi theo họ và tên của người giám hộ.
*Nếu trẻ sơ sinh không có người nhận hoặc bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: ghi tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đang thực hiện việc điều trị cho trẻ.
Cũng tại Thông tư 30/2020 chỉ rõ trường hợp trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra là một trong những đối tượng khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến từ 01/3/2021.
Cụ thể, điều 6, Thông tư này quy định các trường hợp được khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến như sau:
Đến khám, chữa bệnh đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
Đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh.
Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.
*Người tham gia BHYT được chuyển tuyến.
*Người tham gia BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú…khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
*Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.
Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
*Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.
Thông tư 30/2020/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.
Hình ảnh: Trẻ em ngay sau khi sinh ra được cấp mã thẻ bảo hiểm y tế tạm thời. số 3
(Ảnh: minh hoạ)
Theo các quy định hiện hành, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí sau khi làm giấy khai sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, một số trẻ em cần khám, chữa bệnh ngay sau khi sinh ra, khi chưa có giấy khai sinh, khiến một số trẻ chưa được tiếp cận kịp thời với chính sách an sinh xã hội. Do đó, việc cấp mã thẻ bảo hiểm y tế tạm thời cho trẻ thể hiện sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với trẻ em bảo đảm không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, không để trẻ em nào không có nụ cười, không có tuổi thơ trong sáng và không có tương lai phát triển./.
Nguyễn Sơn