Sáng 28/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021 - thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều cạnh và mọi nơi ở Việt Nam.
 
Báo cáo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS).
Hình ảnh: Đại dịch COVID-19 khiến nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn số 1
Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021 - thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều cạnh và mọi nơi ở Việt Nam.
Báo cáo cho biết, với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách.
 
Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.
 
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo tại Việt Nam.
 
Trong đó, nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong 2 năm qua. Nguyên nhân chủ quan là do Việt Nam thay đổi tiêu chí do các cam kết với quốc tế, đồng thời quyết tâm thay đổi tiêu chí, dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo tăng lên. Điều này xuất phát từ mong muốn được đưa đời sống của bà con nâng cao hơn.
Hình ảnh: Đại dịch COVID-19 khiến nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn số 2
Tình trạng nghèo về thu nhập đã tăng lên đáng kể trong đại dịch COVID-19.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng phương pháp tiếp cận đo lường để thực hiện Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021 là theo xu hướng chung tiến bộ của quốc tế.
“Việt Nam là một trong số quốc gia đầu tiên tại châu Á và là một trong số 30 quốc gia trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam có yếu tố rất đặc trưng, đó là đã tiếp cận bằng mức sống tối thiểu của người dân và chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội (dịch vụ việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin). Việt Nam đã xác định 12 chỉ số để đánh giá mức thiếu hụt đối với người nghèo”, ông Đức nói.
 
Để giải quyết chiều cạnh thiếu hụt của người nghèo, theo ông Đức, Việt Nam đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn.
 
Đó là hoàn thiện chính sách giảm nghèo thường xuyên để hỗ trợ cho người nghèo (bảo hiểm y tế, hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, nhà ở).
 
Xác định trong mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và cả kết quả đầu ra của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trong từng giai đoạn.
 
Đồng thời, thiết kế dự án và tiểu dự án của chương trình để tập trung vào giải quyết mục tiêu ưu tiên về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm bền vững hay là dự án về triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo ra việc làm cho người dân.
 Ngân Hà 
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/dai-dich-covid-19-khien-no-luc-xoa-bo-ngheo-doi-gap-nhieu-kho-khan/20220728062254691