Báo cáo thông tin về kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong năm ngoái, NHNN triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) và 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt là SCB và Ngân hàng Đông Á theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Theo đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 3 ngân hàng mua bắt buộc.
Hiện, NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng này.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Thống đốc NHNN cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc mà NHNN gặp phải.
Đó là việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài, khó khăn. Vì điều này phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
Năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Trong thời gian tới, Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp: triển khai đề án cơ cấu lại; hoàn thiện khung pháp lý theo Luật các TCTD 2024.
Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.
Về hoạt động của các ngân hàng TMCP, báo cáo của NHNN cũng cho biết, các ngân hàng TMCP đang tích cực hoàn thiện, triển khai thực hiện theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, về cơ bản, các ngân hàng TMCP đều đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh năng lực cạnh tranh.
Tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn lành mạnh tài chính. Nỗ lực, tích cực xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phát triển dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.
Đới với các TCTD nước ngoài cũng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa TCTD, TCTD và doanh nghiệp theo báo cáo của TCTD đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây.
Đồng thời, Thống đốc cũng lưu ý trường hợp một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
Về những khó khăn trong việc xử lý sở hữu chéo, Thống đốc cho biết tính trạng này liên quan đến nhiều đối tượng, thuộc sự quản lý của nhiều bộ ngành. NHNN chỉ quản lý các TCTD nên không có thông tin, công cụ để kiểm soát những lĩnh vực khác