Cuốn sách do Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế tổ chức biên soạn, chính thức được bắt đầu kể từ ngày 16/11/2022 với nội dung chính gồm các quy định pháp luật liên quan về vốn, quản trị vốn doanh nghiệp tại Việt Nam, quy đinh, chính sách quốc tế cũng như tình hình thực tiễn về quản trị vốn doanh nghiệp của Việt Nam và một số nghiên cứu điển hình đồng thời đưa ra dự báo, khuyến nghị đối với doanh nghiệp và một số bài tập tình huống thực tiễn và gợi ý cách giải quyết vấn đề. Với nội dung kiến thức mang tính bao quát và đầy đủ, cuốn sách hướng tới mục đích đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi, tái cơ cấu và phát triển.
Hình ảnh: Ngày 16/11/2022 Kick off ấn phẩm
Cuốn Cẩm nang này được nghiên cứu, tổ chức biên soạn bởi những chuyên gia hàng đầu đã và đang tham gia cố vấn/tư vấn cho nhiều doanh nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, quản trị, tài chính, chứng khoán và đầu tư.
Cuốn sách "Cẩm nang quản trị vốn doanh nghiệp: Pháp luật, Thực tiễn và Xu hướng" bao gồm 04 phần chính:
Phần I: Cập nhật quy định pháp luật về vốn và quản trị vốn doanh nghiệp tại Việt Nam, quy định và chính sách quốc tế.
Phần mở đầu cẩm nang với các quy định pháp luật từ văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Chứng khoán 2019. Đặc biệt, nhóm tác giả còn cập nhật các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực quản trị và đầu tư vốn như: cách thức góp vốn với từng loại hình doanh nghiệp; chính sách và hình thức ưu đãi đầu tư; tổng quan về kế toán vốn chủ sở hữu; phát hành chứng khoán vốn và huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Ngoài các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, cuốn Cẩm nang còn hướng độc giả tới thị trường quốc tế với Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS), một số quy định về chuẩn mực công bố thông tin của Doanh nghiệp tại Châu Âu.
Phần II: Thực tiễn tại Việt Nam và các nghiên cứu điển hình.
Tại phần II, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích tình hình thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm hiện tại. đồng thời đưa ra những phân tích về thị trường vốn, các kênh dẫn vốn doanh nghiệp tại Việt Nam gồm quy mô thị trường vốn tăng trưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp). Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đề cập thách thức và cập nhật yêu cầu mới về vốn, quản trị vốn sau giai đoạn COVID-19 đầy biến động và xung đột địa chính trị trên thế giới.
Nhóm tác giả cũng đã đưa ra một số nghiên cứu phân tích điển hình về quản trị vốn dựa trên sự phân loại nhóm doanh nghiệp theo quy mô: nhóm doanh nghiệp rất lớn (VNM); nhóm doanh nghiệp lớn (BMP) và nhóm doanh nghiệp vừa (EVE). Đặc điểm chung của các doanh nghiệp là việc kiểm soát vốn nợ/Tổng nguồn vốn rất thấp, đảm bảo DN luôn hoạt động tốt mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động.
Phần III: Dự báo xu hướng và một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp.
Ở phần này, nhóm tác giả dựa trên sự định hướng của chính phủ, đưa ra xu hướng dòng tiền vốn quốc tế tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới, do vậy cũng khuyến nghị về xu hướng chuyên nghiệp hoá quản trị vốn – giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay đồng thời hoạt động M&A sẽ tiếp tục phát triển tại VN. Đồng thời, Cẩm nang cũng đưa ra những giải pháp chiến lược đối với các doanh nghiệp gồm xác định cấu trúc vốn tối ưu, tái cấu trúc vốn theo mục tiêu và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp về tài chính, kinh doanh.
Phần IV: Các bài tập vận dụng và gợi ý cách giải quyết về quản trị vốn.
Cuốn Cẩm nang kết thúc với phần nội dung gồm các bài tập vận dụng liên quan đến vấn đề pháp lý như đăng ký, tăng và giảm vốn điều lệ, cách hình thức góp vốn; vấn đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp như xác định giá trị doanh nghiệp.
Tại buổi ra mắt sách PGS. TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng “ Quản trị vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng” như trường hợp của FLC, quản trị vốn không hiệu quả từ đó dẫn đến hậu quả để lại mất cả lãi lẫn vốn. Thực tế hiện nay nhiều lãnh đạo, các nhà quản trị chưa hiểu rõ vấn đề của quản trị vốn như thế nào. Cuốn sách đáp ứng được sự lỗ hổng này, cung cấp kiến thức, thông tin cho các nhà quản trị bằng việc tập hợp tất cả văn bản pháp luật trong và ngoài nước, thực tiễn tình hình Việt Nam, các trường hợp điển hình và nêu lên xu hướng quản trị vốn. Được xây dựng với cấu trúc logic, giá trị tham khảo cao cuốn sách sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về quy định pháp luật, kiến thức quản trị vốn sao cho hiệu quả.
Hình ảnh: PGS. TS Vũ Văn Phúc tặng hoa cho đại diện ban biên tập
Từ những phần nội dung kiến thức lý thuyết và thực tiễn được hệ thống hóa một cách khoa học, bao quát quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và quốc tế về vốn doanh nghiệp, đồng thời phân tích tình hình thực tiễn vấn đề quản trị vốn của các doanh nghiệp tại Việt Nam, độc giả không chỉ dễ dàng có tầm nhìn sâu hơn về quản trị vốn doanh nghiệp mà còn có thể nắm bắt các kiến thức thực tiễn, giải pháp chiến lược cần thiết để quản lý và đầu tư vốn doanh nghiệp hiệu quả cao.
Điểm nhấn của cuốn Cẩm nang là ngoài những nội dung tập trung vào các quy định pháp luật cơ bản, nhóm tác giả còn đưa ra những phân tích tình hình thực tiễn và dự báo xu hướng về đầu tư, quản trị vốn doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, nhóm tác giả đã biên soạn một phần gồm các bài tập vận dụng điển hình đa dạng các vấn đề pháp lý, vấn đề tài chính – kế toán trong lĩnh vực quản trị vốn doanh nghiệp nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn và dễ dàng áp dụng vào thực tế. Cuốn sách hứa hẹn sẽ trở thành “Cẩm nang gối đầu” đối với những người đang hoạt động và quan tâm tới lĩnh vực đầu tư, quản trị vốn doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam cũng như nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư Doanh nghiệp tại Việt Nam.
Hình ảnh: Ban biên tập
Hình ảnh: 4 nhà tài trợ chính: Bảo Tín Mạnh Hải, Tập đoàn Bảo Tín, Tứ Hải Hà Nam, Quản trị DTH
Hình ảnh ra mắt ẩn phẩm Cẩm nang QTV