Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Vietcombank luôn xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh - Ảnh:VGP
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức mới đây, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chia sẻ một số quan điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, mang tới những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nói chung, cho các NHTM nói riêng, tạo ra các mô hình kinh doanh và những giá trị mới chưa từng có. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp và ngân hàng.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành ngân hàng thời gian qua đã chủ động đi đầu trong đẩy mạnh chuyển đổi số. NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến không cần đến điểm giao dịch. Ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng đến năm 2030”… đây là những văn bản quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số của ngành.

Từ rất sớm, Vietcombank luôn xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh. Ngay từ năm 2001, Vietcombank đã tiên phong trong cung ứng dịch vụ số cho khách hàng, bắt đầu với phiên bản Internet Banking đầu tiên cho khách hàng cá nhân và hệ thống VCB-Money cho khách hàng tổ chức.

Đến nay, các dịch vụ số của Vietcombank ngày càng được nâng cấp, đa dạng hóa. Số lượng khách hàng cá nhân sử dụng ứng dụng Digibank của Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2021, số lượng khách hàng trên các kênh số tăng 44%, số lượng giao dịch tăng gần 57% và giá trị giao dịch tăng 64%. Mỗi ngày, các kênh số của Vietcombank xử lý thông suốt từ 2,5-3,5 triệu giao dịch với giá trị từ 18-36 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên các kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch. 

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, chuyển đổi số tại các NHTM nói chung còn nhiều hạn chế như: Về nền tảng công nghệ và dữ liệu; về quy mô và năng lực ứng dụng các công nghệ 4.0 (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối…); về năng lực phân tích nâng cao và sử dụng dữ liệu; về khả năng tạo ra các mô hình kinh doanh và lợi thế cạnh tranh mới; sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng và mô hình tổ chức, văn hóa doanh nghiệp chậm thay đổi đang là một rào cản lớn đối với việc chuyển đổi số; việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số cũng còn chậm so với yêu cầu phát triển. Nếu được đầu tư thích đáng về nguồn nhân lực, công nghệ, chuyển đổi số thành công sẽ mang lại những giá trị to lớn về trải nghiệm khách hàng, sự gắn kết của nhân viên và tất nhiên là hiệu quả tài chính.

“Vietcombank xác định chuyển đổi số là một đột phá chiến lược và đang triển khai với quyết tâm cao một chương trình hành động chuyển đổi số tổng thể và toàn diện nhằm mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong top các ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025, bao gồm hơn 300 sáng kiến với 4 trụ cột: Số hóa (Digital), dữ liệu (Data), công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation)”, ông Phạm Quang Dũng chia sẻ.

Người đứng đầu Vietcombank khẳng định, chuyển đổi số thành công là điều kiện quyết định bảo đảm năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia. Để hỗ trợ cho việc chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt Nam, Vietcombank kiến nghị một số nội dung.

Thứ nhất, ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho các hoạt động cho vay trên kênh số, tự động hóa quy trình cho vay; việc ứng dụng các công nghệ 4.0 (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…); cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. 

Thứ hai, thể chế hóa các chính sách khuyến khích đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số gắn liền với đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đi kèm với đổi mới sáng tạo luôn có những rủi ro nhất định; trong khi quy định về đầu tư cho đổi mới sáng tạo hiện nay là rất chặt chẽ và hạn chế.

Do đó, cần sớm thể chế hóa các quy định, chính sách để cho phép các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong đó có các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thực hiện cơ chế quản lý, đánh giá hiệu quả đầu tư tổng thể thay vì theo từng dự án cụ thể. Chấp nhận rủi ro ở mức độ cho phép để khuyến khích đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, cần thể chế hóa các chính sách để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khả năng cạnh tranh bình đẳng của các NHTMNN nói riêng, các DNNN nói chung. Đề nghị sớm rà soát sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (69/2014/QH13), Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng thống nhất quản lý theo mục tiêu, tăng giao quyền tự chủ trong kinh doanh, đặc biệt là trong cơ chế thu nhập, chính sách đãi ngộ cho DNNN nói chung và các NHTMNN nói riêng. Có như vậy mới thực sự thúc đẩy chuyển đổi số trong các DNNN, thu hút và giữ chân được nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho việc chuyển đổi số thành công.

Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Vietcombank-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-ngan-hang/457561.vgp