Tiền khéo tiền khôn 2022: mở rộng độ bao phủ kiến thức tài chính tới người dân - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh: Để thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, cần thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các trụ cột - Ảnh: VGP

Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm an toàn hoạt động và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục tài chính quốc tế, nghiên cứu các điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của lãnh đạo NHNN và Đài Truyền hình Việt Nam, Vụ Truyền thông và VTV3 đã phối hợp thực hiện chương trình "Tiền khéo, tiền khôn" với thông điệp "Kiến thức - Kỹ năng tài chính thông minh".

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là giúp mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng để thực hiện Chiến lược, cần thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các trụ cột. Trong đó, truyền thông giáo dục tài chính đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ truyền thông giáo dục tài chính còn được đề cập tới tại các đề án của Chính phủ.

NHNN luôn xác định truyền thông giáo dục tài chính là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và các Đề án nêu trên. Vì vậy, NHNN thực hiện đa dạng hóa, chuyên nghiệp hóa các hình thức truyền thông. Trong đó có việc thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính như: Chương trình hoạt hình "Tay hòm chìa khóa", cuộc thi tìm hiểu về kiến thức tài chính-ngân hàng "Hiểu đúng về tiền", đặc biệt là chương trình gameshow "Tiền khéo Tiền khôn". 

Những chương trình này đã phát huy được hiệu quả trong thực tế, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nhiều kiến thức và đánh giá cao vì sự thiết thực, gần gũi, liên quan đến các nội dung mà người dân, doanh nghiệp quan tâm trong lĩnh vực ngân hàng.

Tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen (Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN) cho biết do tác động của dịch COVID-19 và sự phát triển nhanh chóng của khu vực tài chính với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng đã đặt ra yêu cầu trang bị, phổ biến kiến thức và kỹ năng tài chính ngân hàng cho mọi tầng lớp người dân.

Mặt khác, theo bà Lê Thị Thúy Sen, một trong những vấn đề khó khăn trong hoạt động truyền thông của ngành ngân hàng là các kiến thức, thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng mang tính chuyên ngành cao, vì vậy, trong quá trình triển khai truyền thông cần đảm bảo dễ hiểu - dễ nhớ - dễ lan tỏa - dễ thực hiện.

Bà Anna Szalwicki, đại diện Quỹ Hợp tác quốc tế German Sparkassenstiftung DSIK (CHLB Đức), Phó Điều phối viên khu vực Đông Nam Á nhận định việc tập trung giáo dục về tài chính toàn diện cho toàn dân là rất cần thiết. Bà Anna Szalwicki đánh giá rất cao các chương trình Giáo dục tài chính như "Tiền khéo, Tiền khôn, "Tay hòm chìa khóa" do NHNN và VTV phối hợp thực hiện…

Tổng giá trị giải thưởng bằng tiền mặt là 1,2 tỷ đồng và một số phần quà có giá trị khác. Cơ cấu giải thưởng mỗi số của chương trình như sau: + Giải thưởng bằng tiền mặt lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người chơi có cơ hội nhận được phần quà có giá trị lên tới 5 triệu đồng hoặc 01 cặp vé máy bay khứ hồi nội địa của Vietjetair. + Giải thưởng cho các khán giả truyền hình của mỗi số là 4 vé máy bay khứ hồi nội địa của Vietjetair hoặc một số phần quà có giá trị khác.

Anh Minh


Theo https://baochinhphu.vn/tien-kheo-tien-khon-mo-rong-do-bao-phu-kien-thuc-tai-chinh-102220127120430581.htm