Ngoài trả kết quả thủ tục hành chính, Bộ phận Một cửa phường Đông Phong, Tp. Lai Châu, tỉnh Lai Châu còn là nơi giúp người dân được tiếp cận pháp luật. (Ảnh Ánh Hồng)
Ngoài trả kết quả thủ tục hành chính, Bộ phận "Một cửa" phường Đông Phong, Tp. Lai Châu, tỉnh Lai Châu còn là nơi giúp người dân được tiếp cận pháp luật. (Ảnh Ánh Hồng)

Tăng cường nguồn lực hỗ trợ

Theo quy định tại Điều 6 Quyết định 619/QÐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL), để được công nhận đạt chuẩn TCPL, xã, phường, thị trấn, phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí TCPL phải đạt từ 90% điểm tối đa trở lên đối với xã loại I, từ 80% trở lên đối với xã loại II và từ 70% trở lên đối với xã loại III.

Tuy nhiên, trên thực tế, xã loại II và III trên phạm vi cả nước đều là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 100% kinh phí phụ thuộc vào ngân sách, do đó, đối với một số xã để đạt được số điểm theo quy định là rất khó khăn. Những chỉ tiêu, tiêu chí khó chủ yếu ở các lĩnh vực bố trí nhân lực, tài chính, điều kiện cơ sở hạ tầng…

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy, do hạn hẹp về kinh phí, nên việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, diện tích làm việc của Bộ phận một cửa ở một số xã chưa thực sự được quan tâm đầu tư. Thiếu kinh phí cũng khiến công tác hòa giải cơ sở, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả như mong đợi…

Cùng với đó, từ trước tới nay, nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL hầu như chưa được bố trí kinh phí riêng, chủ yếu sử dụng kinh phí của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phân bổ hàng năm cho các Sở Tư pháp với mức hạn hẹp. Do đó, một số đơn vị chưa quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực đối với các xã chưa đạt chuẩn TCPL, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK và sử dụng nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Đây cũng là thực trạng chung của đa số các địa phương trên cả nước khiến việc xây dựng xã, phường đạt chuẩn TCPL chưa thực sự hiệu quả, nhất là tại các địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái… Để tháo gỡ vướng mắc này, ngày 22/7/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, trong đó nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cũng như nguồn kinh phí thực hiện.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 7 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định: “HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo trong triển khai thực hiện Quyết định này từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước”.

Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất để phục vụ việc triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL; trong đó, có giải pháp hỗ trợ các xã còn khó khăn, thiếu nguồn lực. Đồng thời, các địa phương cũng cần chủ động công tác xã hội hóa nguồn lực để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. (Ảnh TL)
Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. (Ảnh TL)

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền

Bên cạnh việc thiếu nguồn lực, hiện nay, tại không ít địa phương, vẫn còn tình trạng một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức rõ mục đích, yêu cầu của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, còn cho rằng đây là nhiệm vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch, nên thiếu sự quan tâm chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các vị trí trong bộ máy chính quyền; công tác kiểm tra, đôn đốc… không được triển khai.

Bà Hoàng Thị Xuyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Diễn Châu (Nghệ An) chia sẻ: Ở một số xã trên địa bàn huyện, còn tình trạng việc tổ chức thực hiện, cung cấp hồ sơ, tài liệu minh chứng kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí giao phó cho công chức Tư pháp - Hộ tịch. Từ đó, dẫn đến tình trạng hồ sơ minh chứng không đầy đủ, không thể hiện được kết quả thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL…

Theo đó, để giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương cần thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực, có thành tích xuất sắc, cách làm hay, làm tốt. Từ đó, tổ chức thực hiện chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn TCPL tại địa phương.

Đồng tình về quan điểm này, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết: Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tăng cường tuyên truyền; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, UBND các cấp trong hướng dẫn, thực hiện các tiêu chí về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL hàng năm, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương…

Qua đó có thể thấy rằng, công tác xây dựng xã, phường đạt chuẩn TCPL phải là nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị, nhằm hỗ trợ người dân thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin, TCPL. Do vậy, để thực hiện hiệu quả quy định về cấp xã đạt chuẩn TCPL rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kịp thời quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần và đời sống pháp lý của người dân.

Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Nhiều kết quả tích cực từ các địa phương trên cả nước (Bài 1)
Theo https://baodantoc.vn/xay-dung-xa-phuong-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-nhung-giai-phap-thao-go-kho-khan-vuong-mac-bai-2-1668162534656.htm