Ảnh minh họa
Xuất khẩu tăng 12%

Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), XK thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường XK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm 56,1% tổng trị giá XK.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, từ đầu năm đến nay, cá tra, tôm đều là những mặt hàng có trị giá XK gia tăng đáng kể. Sự chủ động, tích cực của các DN trong mở rộng thị trường dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chức năng là yếu tố quan trọng làm nên kết quả khả quan trong XK toàn ngành nói chung, thủy sản nói riêng.

Đối với thị trường trong nước, đáng chú ý là tháng qua, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tăng nhẹ 200 đồng/kg lên mức 21.500-21.700 đồng/kg cho cá loại 800 g-1,1 kg. Đối với cá tra nguyên liệu lớn từ 1,2 kg trở lên, các công ty làm hàng gia công đi thị trường Trung Quốc bắt cá với mức giá tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg, lên mức 21.800-22.000 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu hiện vẫn chỉ tương đương so với chi phí sản xuất do giá thức ăn cá tra đã liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.

Nhập khẩu (NK) cá tra tại một số thị trường lớn như Trung Quốc và các thị trường khu vực Nam Mỹ có xu hướng tăng nhẹ nhu cầu cho hàng phile cỡ lớn, trong khi tồn kho nhà máy và nguồn cung cá nguyên liệu cỡ này hiện đều ở mức không cao.

Với mặt hàng tôm, thị trường tôm nguyên liệu ĐBSCL trong tháng qua có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Sản lượng tôm thẻ tiếp tục tăng nhanh ở hầu hết các cỡ nên giá tôm thẻ tiếp tục xu hướng giảm.

Theo văn bản số 3369/BCT-XNK của Bộ Công Thương tham gia ý kiến với Báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc phát triển xuất khẩu bền vững toàn quốc, việc triển khai tiêm vaccine diện rộng ở nhiều quốc gia giúp người dân dần yên tâm, quay lại với các hoạt động du lịch, giải trí và các hoạt động công cộng. Do vậy, nhu cầu thủy sản sẽ hồi phục cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ. Thị trường tiêu thụ hồi phục tiếp tục tác động đến nhu cầu thu mua chế biến XK, chi phối xu hướng tăng giá nguyên liệu.

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay thị trường Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng XK thủy sản, đặc biệt là tôm, khi nguồn cung từ Ấn Độ gặp khó về sản xuất do dịch bệnh. Hoa Kỳ cũng đang tăng NK cá tra từ Việt Nam. Ngoài ra, XK bạch tuộc và surimi sang thị trường Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá, nhu cầu NK tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19. “Dự báo, XK tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ các Hiệp định Thuơng mại tự do (FTA) và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch COVID -19”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra đang ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XK cá tra nửa đầu năm 2021. Do đó, trong quý III/2021 cần tập trung đẩy mạnh XK cá tra tới những thị trường lớn và truyền thống là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và ASEAN. Ngoài ra, các DN cũng cần đặc biệt lưu ý những thị trường đang phục hồi là Nga và Anh vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp rào cản thị trường.

Thông tin gỡ “thẻ vàng IUU” phải thông suốt 24/24h

Dù không được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngay trong năm nay nhưng thị trường châu Âu luôn được quan tâm. Tuy nhiên, “thẻ vàng” IUU vẫn đang tồn tại với thủy sản Việt Nam. Nếu không quyết liệt tháo gỡ, nguy cơ Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có những biện pháp mạnh hơn với thủy sản Việt Nam XK sang thị trường này.

Theo đánh giá của bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT), thể chế để thực thi các biện pháp khôi phục “thẻ vàng” IUU đã hoàn thiện. Thể chế này đã được EC cơ bản chấp nhận với những nội dung liên quan đến khai thác bất hợp pháp nhưng việc thực thi các quy định của pháp luật thì cần cơ chế phối hợp rõ ràng, quyết liệt hơn.

Cụ thể các bộ ngành, địa phương cần thực hiện rốt ráo hơn các quy định đã được xây dựng. Bà Huệ nêu ví dụ: “Một số tỉnh như Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định xử phạt tàu vi phạm không lắp giám sát hành trình rất mạnh. Một số tỉnh khác như Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam vẫn còn những nơi khá rụt rè khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”.

Mới đây, ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Chỉ thị số 17/CT-TTg về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.

Chỉ thị đã chỉ rõ nhiệm vụ của các đơn vị và địa phương để thực hiện triệt để việc gỡ “thẻ vàng” này. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ là đầu mối trao đổi và xử lý thông tin. Việc trao đổi, xử lý thông tin phải đúng với nhiệm vụ được giao và yêu cầu thông tin thông suốt 24/24h trong ngày, bằng các hình thức thông tin phù hợp theo quy định pháp luật. Đặc biệt, những nội dung thông tin 28 địa phương ven biển cần cập nhật thông suốt gồm: Những tàu cá của địa phương đã được đăng ký, đăng kiểm; cấp, gia hạn, cấp lại hoặc thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản; tàu cá của địa phương khi đang khai thác trên biển bị mất tín hiệu, vượt ranh giới khai thác trên biển, có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài; tình hình, kết quả kiểm tra, kiểm soát tàu cá và ngư dân, xuất, nhập cảng, bến theo quy định; tình hình, kết quả xử lý tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài và các vụ việc tại địa phương có dấu hiệu móc nối, đưa người, tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở các vùng biển nước ngoài.

Đỗ Hương

 

Theo http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Xuat-khau-thuy-san-co-nhieu-co-hoi-can-dich-9-ty-USD/436171.vgp