Sáng 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Ảnh: TH
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,91 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Báo cáo đánh giá việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, mặc dù không đánh số thứ tự, nhưng nội dung của các mục này đã được trình bày đầy đủ thành các khổ riêng tại trang 2 và 3 của dự thảo Nghị quyết. Vì vậy, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội xin được giữ như cách thể hiện trong dự thảo.
Có ý kiến đề nghị xem lại nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19, vì dịch bệnh chỉ bị ảnh hưởng các tháng đầu năm 2022, khi giao vốn thì cơ bản đã không còn bị ảnh hưởng của dịch. Về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình hình dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian dài, nhất là thời điểm năm 2021 và đầu năm 2022 đã phần nào ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong triển khai các Chương trình. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân này là phù hợp.
Về nhiệm vụ, giải pháp, có ý kiến đề nghị không đưa nội dung “Cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện” vào Nghị quyết vì Chính phủ chưa có báo cáo Quốc hội về nội dung này và Nghị quyết Quốc hội về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2024 đã cho phép kéo dài vốn năm 2023; việc cho phép kéo dài số vốn gây lãng phí lớn, tăng chi phí trả lãi và bội chi ngân sách Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình số 614/TTr-CP ngày 01/11/2023 trình Quốc hội xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 sang thực hiện trong năm 2024.
Qua xem xét Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, từ phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân khách quan và chủ quan đánh giá tác động đến thu chi ngân sách nhà nước, việc cho phép kéo dài số vốn trên là cần thiết để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đã có Thông báo số 3155/TB-TTKQH ngày 25/11/2023 về việc thống nhất cho phép Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị đối với số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.
Để việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn có hiệu quả, không gây lãng phí, Dự thảo Nghị quyết đã quy định Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và việc thực hiện, giải ngân số vốn được kéo dài nêu trên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ quy định này trong dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện mà nên giao cho tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện; không nên thí điểm phân cấp cho một vài huyện mà thực hiện đồng loạt ở tất cả các huyện. Đối với Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện thì cần làm rõ vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được thông qua ngày 24/6/2023 đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, báo cáo Quốc hội khi tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6. Việc thí điểm là để tổng kết, đánh giá, kiểm tra hiệu quả, tính khả thi hoặc tác động của thí điểm trước khi triển khai rộng rãi, do đó, Chính phủ sẽ đề xuất phương án phù hợp khi trình Quốc hội về nội dung này, trong đó có vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Có ý kiến cho rằng để đảm bảo quyền lợi và sự đồng bộ, thống nhất tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên có lộ trình xây dựng nông thôn mới cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay vì sửa đổi tiêu chí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2026 được ban hành và thực hiện từ năm 2022. Tuy nhiên, qua giám sát của Quốc hội và kiến nghị của địa phương với Chính phủ, nhiều địa phương phản ánh một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa phù hợp với thực tiễn của các vùng miền. Do đó, để bảo đảm tính khả thi khi triển khai xây dựng nông thôn mới tại các vùng, miền, Dự thảo Nghị quyết quy định giao Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó có việc xây dựng, ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đây cũng là một bước trong lộ trình xây dựng nông thôn mới cho cả nước nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Trong quá trình giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, một số địa phương phản ánh khi thực hiện một số kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là trong việc thực hiện chính sách nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, Dự thảo Nghị quyết có quy định giao Kiểm toán nhà nước tham gia với Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý một số kiến nghị liên quan đến thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, các cơ quan, tổ chức trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia./.
KN
Nguồn: dangcongsan.vn