*Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, mùa khô năm nay nắng nóng, ít có mưa trái mùa nên dung tích các hồ chứa chỉ còn hơn một nửa và giảm hơn 86% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2/2024, ghi nhận mực nước ở các sông Đồng Nai, La Ngà xuống thấp. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương trong công tác chống hạn, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất. Cụ thể, bơm chống hạn cho 210 hécta tại khu vực đập Năm Sao (huyện Tân Phú), đảm bảo kịp thời nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nguy cơ xâm nhập mặn tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch tăng nên tỉnh đã có văn bản đề nghị Công ty Thủy điện Trị An phối hợp xả nước hỗ trợ đẩy mặn.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Đồng Nai thực hiện công tác duy tu, sửa chữa công trình để đảm bảo vận hành an toàn, đưa nguồn nước về phục vụ sản xuất, nhất là các khu vực có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô như: huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành và chủ động phối hợp điều tiết nước hợp lý tại các công trình thủy lợi, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm.
Cụ thể, ngành nông nghiệp, các địa phương và các đơn vị liên quan tập trung đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ đông - xuân; chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn trái lâu năm chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới. Đồng Nai có diện tích rừng khá lớn nên cần quản lý, theo dõi thường xuyên để không để xảy ra nguy cơ cháy rừng trong mùa khô.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, tính đến nay, mùa khô đã trải qua hơn 2 tháng và suốt thời gian này hầu như không có mưa trái mùa như mọi năm, nếu có chỉ là những cơn mưa nhỏ. Theo đó, cao điểm nắng nóng bắt đầu từ giữa tháng 2/2024 và có thể tiếp tục kéo dài đến tháng 5. Như vậy, mùa khô năm nay đến sớm và kéo dài hơn trung bình mọi năm. Nắng nóng có thể đạt mức gay gắt xấp xỉ như năm 2023. Đây là nguyên nhân khiến nguồn nước mặt trên các sông, suối, ao, hồ giảm dần, có thể xuất hiện tình trạng khô hạn, thiếu nước với các sông, suối nhỏ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, phương án ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở tiếp tục theo dõi, hỗ trợ địa phương triển khai kế hoạch gieo trồng vụ đông - xuân gắn với công tác tích trữ, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô…
Một hồ chứa nước ở Bình Thuận cạn trơ đáy. (Ảnh: Báo Bình Thuận)
*Tại Bình Thuận, thời điểm này, nhiều hồ chứa trong tỉnh đã cạn nước, vì vậy việc triển khai nhanh các giải pháp ứng phó đang được ngành nông nghiệp tỉnh và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cùng các địa phương phối hợp thực hiện khẩn trương, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino nên mùa mưa năm nay kết thúc sớm, tình hình nguồn nước trong tỉnh không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Tính đến ngày 23/3/2024, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi là 116/364 triệu m³ đạt 31,9% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m³.
Để khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước khi nhiều hồ chứa cạn nước, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cho rằng thời điểm này các địa phương cần nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng. Mặt khác phổ biến cho nhân dân biết về khả năng có thể xảy ra nguy cơ hạn hán, thiếu nước để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mức, đúng mục đích. Ngành chức năng của Bình Thuận lên kế hoạch cấp nước phù hợp. Trong đó, ưu tiên cấp nước sinh hoạt và đảm bảo nước tưới cho sản xuất lúa đến tháng 6/2024...
Trước diễn biến khô hạn còn có khả năng kéo dài, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, kế hoạch cấp nước thời gian mùa khô còn lại năm 2024 của công ty là tiếp tục quản lý nguồn nước, điều tiết nước hợp lý tưới cho 23.910 ha lúa vụ đông xuân, 19.330 ha thanh long và 411 ha nuôi trồng thủy sản. Về cấp nước cho sinh hoạt, tiếp tục cấp nước cho các nhà máy nước với kế hoạch là 8.220.000 m³/1 tháng.
*Theo thông báo tình hình chất lượng nước, xâm nhập mặn tại các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Long An những ngày qua, độ mặn trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Tây tiếp tục tăng từ 0,1 - 2,7 gram/lít (g/l), riêng độ mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, Sông Tra giảm từ 0,2 - 1,9 g/l so với thông báo tình hình chất lượng nước ngày 10 và 12-3, dao động ở mức từ 0,4 - 18,7 g/l.
Để chủ động phòng ngừa và có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023- 2024, nhất là trong thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn kết hợp nắng nóng gay gắt, đảm bảo cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024 và dân sinh an toàn, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng tương tự như mùa khô 2019-2020 và 2015-2016 trong hệ thống công trình thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An đã đề nghị Trung tâm Quản lý Khai thác công trình Thủy lợi phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện phía Nam và TP Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn; xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Đồng thời, đề nghị UBND các huyện phía Nam và TP Tân An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, đo đạc tình hình chất lượng nước, độ mặn trên các tuyến kênh, rạch cắt ngang chưa có hệ thống cống điều tiết ngăn mặn; kết hợp với theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng. Ngoài ra, tăng cường khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng, các trang thiết bị có thể trữ nước... khi nguồn nước còn dồi dào và nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh, rạch nội đồng; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn.
*Tại tỉnh Tiền Giang, trước dự báo mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng, đối với những diện tích đã gieo sạ vụ lúa Thu Đông, sau khi thu hoạch xong, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng rau màu hoặc không gieo sạ vụ Đông Xuân. Đối với cây ăn trái, để giảm ảnh hưởng của hạn, mặn, ngành nông nghiệp khuyến cáo việc thực hiện rải vụ khoảng 4.750 ha. Để bảo vệ các vườn cây ăn trái, tỉnh cùng các địa phương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, ứng phó với hạn, mặn, không chủ quan.
Về giải pháp công trình, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn theo phân cấp quản lý; củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, ngăn triều cường có sẵn; tổ chức đắp đập nhằm ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Long An tổ chức vận hành công trình hợp lý; kiểm soát ngăn mặn triệt để từ hướng sông Vàm Cỏ Tây. Một trong những giải pháp quan trọng là đóng ngăn mặn cống Nguyễn Tấn Thành. Dự kiến, cống này sẽ lắp đặt cửa trước Tết Nguyên đán để ngăn mặn; trường hợp không đảm bảo tiến độ, tỉnh sẽ đề nghị Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 có phương án đảm bảo ngăn mặn, không để mặn xâm nhập vào phía bên trong. Hiện nay, tỉnh đã triển khai 6/6 cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch trên Đường tỉnh 864. Khi độ mặn trên sông Tiền tại Vàm kinh Nguyễn Tấn Thành vượt ngưỡng >1,0g/l và có xu thế tiếp tục tăng, xâm nhập sâu vào nội đồng, ngành Nông nghiệp sẽ vận hành đóng 6 cống để ngăn mặn.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, ngoài những giải pháp trên, để bảo vệ vườn cây ăn trái, tỉnh sẽ tổ chức 8 điểm bơm chuyền để bổ cấp nguồn nước cho các khu vực của các xã: Song Thuận, Long Hưng, Kim Sơn, Phú Phong, Vĩnh Kim, Đông Hòa của huyện Châu Thành bị thiếu nước khi các cống, đập đóng ngăn mặn từ phía sông Tiền. Trong trường hợp khi độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn, huyện Chợ Lách, cách sông Tiền 9km từ 1,5-2,0 g/l và có xu thế tiếp tục tăng, tỉnh sẽ đắp 3 đập thép ngăn mặn gồm: Trà Tân, Ba Rài, Phú An. Đồng thời, tổ chức vận hành các giếng khoan dự phòng để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt./.
Bảo Châu (t/h)
Nguồn: dangcongsan.vn