Vì sao cần xác thực sinh trắc học?
Trong bối cảnh tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng và tinh vi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Công văn số 5262/NHNN-CNTT về việc hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 gửi các tổ chức tín dụng (TCTD).
Trong đó, NHNN yêu cầu giao dịch chuyển tiền có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng số tiền giao dịch vượt quá 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học, khớp đúng dữ liệu được lưu trong căn cước công dân gắn chip của khách hàng do cơ quan công an cung cấp, đồng bộ VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Quy định này nhằm bảo mật thanh toán trực tuyến và qua thẻ ngân hàng, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.
Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất. Ngay cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo vẫn có thể lấy lại tiền. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.
Theo đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), công nghệ eKYC đã và đang rất phát triển nhưng tỷ lệ gian lận vẫn tồn tại. Khi xác thực với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các ngân hàng sẽ có dữ liệu sạch, chính xác và cập nhật nhất của khách hàng. Do đó, phương thức xác thực sinh trắc học sẽ tăng cường an toàn các giao dịch cho khách hàng và ngân hàng. Bởi công nghệ này hạn chế tối đa khả năng làm giả, với tính năng an toàn và bảo mật cao nhất hiện nay, do dựa vào những đặc điểm độc nhất của mỗi người.
Ông Lê Hoàng Chính Quang – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho biết, yêu cầu xác nhận bằng sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến không chỉ tăng tính bảo mật mà còn giúp hạn chế tình trạng lừa đảo. Vì trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo sử dụng chứng minh thư giả hay mua tài khoản ngân hàng của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi xác nhận sinh trắc học, kẻ gian sẽ không thể thực hiện hành vi chuyển khoản giá trị lớn nếu không phải là tài khoản chính chủ.
Hiện Bộ Công an và ngành Ngân hàng đã thực hiện làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia 3,5 triệu dữ liệu của các TCTD trung gian thanh toán ví điện tử.
Hiện, các ngân hàng đã hoàn thiện hạ tầng công nghệ giúp khách hàng hoàn tất quy trình đối chiếu sinh trắc học với dữ liệu căn cước công dân, đồng thời triển khai đồng bộ thêm các giải pháp bảo mật nhiều lớp nhằm tăng tính an toàn cho các giao dịch.
Các thao tác cập nhật sinh trắc học tài khoản ngân hàng
Mặc dù các ngân hàng tích cực truyền thông hướng dẫn chi tiết cụ thể tới khách hàng các bước thực hiện cung cấp dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng của các ngân hàng, không phải khách hàng nào cũng biết cách cập nhật hoặc cập nhật thành công ngay.
Theo một số đại diện ngân hàng, người dùng gặp trở ngại trong quá trình cập nhật sinh trắc học tài khoản ngân hàng do vướng mắc ở khâu quét NFC, điện thoại không phù hợp (không hỗ trợ tính năng NFC) hoặc không có thẻ căn cước công dân gắn chip, hoặc thao tác không quen…
NFC (Near Field Communication) là công nghệ giao tiếp không dây tầm ngắn, cho phép trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị trong khoảng cách gần. Công nghệ này sử dụng sóng radio để kết nối và truyền dữ liệu giữa các thiết bị một cách nhanh chóng và bảo mật.
Trước khi quét chip NFC, người dùng phải đảm bảo rằng điện thoại của mình có hỗ trợ tính năng NFC, được kết nối với Internet để sau khi quét thành công có thể truy cập được ngay trang chứa thông tin.
Trong phần hướng dẫn, đa số các ngân hàng sẽ yêu cầu người dùng đặt điện thoại trực tiếp lên mặt sau căn cước công dân. Tùy thuộc vào vị trí đầu đọc NFC trên điện thoại mà vị trí tương đối có thể hơi khác nhau. Ở căn cước công dân, chip NFC nằm ở vị trí dấu mộc đỏ.
Các bước quét NFC bao gồm:
Bước 1: Chọn tính năng NFC, áp thẻ vào căn cước công dân cần đọc.
Bước 2: Đặt căn cước công dân gắn chip lên mặt sau điện thoại, vị trí gần khu vực camera. Tính năng quét NFC có chế độ tự động kiểm tra vị trí đầu đọc, người dùng chỉ cần áp sát thẻ căn cước công dân vào điện thoại ở vị trí chip.
Bước 3: Giữ nguyên vị trí cho đến khi ứng dụng quét và điền thông tin thành công.
Bước 4: Đọc NFC thành công, kiểm tra lại thông tin và xác nhận.
Một số chuyên gia khuyến nghị, để thao tác tối ưu nhất, người dùng nên tạm thời tháo bỏ ốp điện thoại trong quá trình này và điều chỉnh căn cước công dân cho đến khi app hiển thị hình ảnh đang đọc. Để không bị di dời hay lệch khỏi vị trí, người dùng nên để cả điện thoại và thẻ căn cước lên một bề mặt phẳng.
Trong trường hợp khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh nhân dân hoặc căn cước không gắn chip còn thời hạn sử dụng, việc xác thực không thể tự thực hiện.
Theo NHNN, nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với giao dịch loại C, D (hai cấp cao nhất) được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra. Trường hợp chưa có căn cước gắn chip, người dân phải tới chi nhánh của ngân hàng để cập nhật, xác minh dữ liệu.
Các ngân hàng được yêu cầu phải kiểm tra chứng minh nhân dân hoặc căn cước không gắn chíp còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.