Kiểm kê thử nghiệm trước khi tổng kiểm kê chính thức trên phạm vi cả nước
Chiều 27/5, Cục Quản lý công sản phối hợp với Sở Tài chính TP. Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai công tác kiểm kê thử nghiệm TSC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Thực hiện Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai các công việc để thực hiện tổng kiểm kê đối với TSC tại khu vực hành chính sự chính và các tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Việc kiểm kê đối với TSC là công việc thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đối với TSC.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh cho biệt, kể từ năm 1998 đến nay, đây là lần thứ hai triển khai thực hiện tổng kiểm kê TSC quy mô lớn trên toàn quốc. Năm 1998, công tác kiểm kê TSC chỉ được thực hiện trong khu hành chính sự nghiệp. Đó là tài sản mà Nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp quản lý, sử dụng để phục vụ công tác quản lý, cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công.
Ngoài các loại TSC như năm 1998 đã thực hiện kiểm kê, lần tổng kiểm kê tới đây theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng khác phải thực hiện tổng kiểm kê.
Đối với Đề án tổng kiểm kê vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ mở rộng hơn về tài sản mà các đơn vị phải thực hiện kiểm kê. Theo Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh, ngoài TSC trong khu vực hành chính sự nghiệp do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính sự nghiệp quản lý thì còn có các TSC là các công trình kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý.
Để đảm bảo triển khai tổng kiểm kê chính thức trên phạm vi cả nước được hiệu quả, chất lượng, Bộ Tài chính đã có quyết định triển khai kiểm kê thử nghiệm tại 2 bộ (Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải) và 5 địa phương, trong đó có TP. Hà Nội. Ông Nguyễn Tân Thịnh chỉ rõ, đợt thử nghiệm nhằm tập dượt cách thức thực hiện công tác kiểm kê. Từ kiểm kê thực tế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TSC đến việc tổng hợp của các cơ quan quản lý cấp trên. Đồng thời, phát hiện các vấn đề trong công tác quản lý đối với TSC để có những chấn chỉnh kịp thời trước khi thực hiện kiểm kê chính thức trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, thông qua cái đợt kiểm kê thực hiện, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các mẫu biểu và chỉ tiêu kiểm kê. Do đó, Cục trưởng đề nghị trong quá trình kiểm nghiệm, các đơn vị không chỉ đơn thuần thực hiện theo bộ mẫu được ban hành mà có ý kiến góp ý thực tiễn để Bộ Tài chính hoàn thiện các mẫu biểu kiểm kê sao phù hợp, đơn giản, dễ sử dụng...
Nhằm thực hiện mục tiêu tổng kiểm kê TSC trên phạm vi cả nước, Lãnh đạo Cục Quản lý công sản đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực trao đổi với báo cáo viên để làm rõ những nội dung công việc phải thực hiện. Cục sẽ cử cán bộ trực tiếp tham gia trong quá trình kiểm kê để cùng thực hiện và rút kinh nghiệm cùng cơ sở. Bộ Tài chính cũng sẽ mở chuyên trang hướng dẫn cái việc kiểm kê ở trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Trang thông tin về TSC để xử lý các tình huống thực tế trong quá trình kiểm kê.
Ông Nguyễn Tân Thịnh lưu ý, về số liệu kiểm kê, các đơn vị trực tiếp thực hiện chịu trách nhiệm. Còn các cơ quan tổng hợp có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị trực tiếp kiểm kê báo cáo số liệu theo đúng thời hạn quy định, đồng thời rà soát, đối chiếu thông tin, số liệu đảm bảo tính chính xác, logic của số liệu trước khi gửi cho cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợpbáo cáo về Ban chỉ đạo kiểm kê của Thành phố, của Trung ương.
Vừa làm, vừa hiệu chỉnh
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, ông Mai Công Quyền – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, TP. Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về kiểm kê TSC và Kế hoạch số 155/KH-UBND. Đây là cơ sở pháp lý để Thành phố triển khai các bước tiếp theo.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm kê TSC, ông Mai Công Quyền chia sẻ, công tác kiểm kê TSC đối với 2 nhóm TSC, gồm: TSC tại các đơn vị hành chính sự nghiệp; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý là một trong những nhiêm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 mà Thành phố sẽ nỗ lực hoàn thành.
Phó Giám đốc Sở Tài chính thông tin thêm, thực tế thời gian qua, các sở, ban ngành trên địa bàn Thành phố đã thực hiện theo Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả TSC của TP. Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030” được ban hành tại Quyết định số 2189/QĐ-UBND ngày 13/4/2023 của UBND TP. Hà Nội. Vì thế, đây cũng là một thuận lợi cho Hà Nội khi triển khai công tác kiểm kê thử nghiệm lần này.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm triển khai trong thực tiễn, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã chỉ ra một số vướng mắc nhất định, nhất là trong kiểm kê 18 loại tài sản kết cấu hạ tầng vì có một số nhóm tài sản chưa được quy định điều chỉnh bởi một văn bản cụ thể.
"Theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ vừa làm, vừa hiệu chỉnh để đảm bảo kiểm kê đúng, đủ và làm sao có số liệu “sạch” và “sống” để thực hiện công tác tổng kiểm kê tài sản của TP. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.", ông Mai Công Quyền nêu rõ.
Với vai trò là đầu mối thực hiện thử nghiệm kiểm kê TSC trên địa bàn TP. Hà Nội - địa phương có khối lượng TSC lớn trải dài trên 30 quận, huyện và 22 sở, ban ngành, công tác quản lý rất phức tạp, ông Mai Công Quyền cho biết, TP. Hà Nội đã thực hiện nội dung về kiểm kê TSC ngay từ năm 2023. Sở Tài chính cũng đã tham mưu, trình Thành phố đề án TSC trong giai đoạn 2023-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở đó, Thành phố đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành thực hiện. Đáng chú ý, giữa năm nay, TP. Hà Nội sẽ đánh giá lại công tác quản lý TSC trên toàn địa bàn thành phố sau 1 năm thực hiện đề án này.
Sáng cùng ngày, Hội nghị tập huấn đã được tổ chức tại UBND quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội với sự tham dự của hơn 350 đại biểu từ các cơ quan thử nghiệm kiểm kê TSC trên địa bàn Thành phố và các sở là đầu mối tổng hợp số liệu tài sản kết cấu hạ tầng.