Trong khuôn khổ chương trình làm việc với Đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF, chiều ngày 24/6, Bộ Tài chính và IMF phối hợp tổ chức Tọa đàm về phân tích của IMF đối với các vấn đề tài khóa.
Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế của IMF; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của IMF đã có bài trình bày về 03 nội dung: Tính bền vững của nợ công và khả năng tiếp cận vốn trên thị trường của các quốc gia cũng như sơ bộ về tính bền vững của nợ công dựa trên dữ liệu cập nhật của Bộ Tài chính cung cấp; Sự minh bạch tài khóa và chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc cải thiện báo cáo tài khóa và lợi ích của tăng cường minh bạch tài khóa; Những vấn đề thách thức đối với thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) tại Việt Nam và những khuyến nghị của IMF đối với sự phát triển của thị trường TPCP tại Việt Nam.
Đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có những trao đổi, thông tin với IMF về các nội dung liên quan đến nợ công, TPCP và minh bạch ngân sách nhà nước.
Liên quan đến nội dung về tính bền vững của nợ công, ông Paulo Medas - Trưởng đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF đánh giá, theo các kết quả phân tích của IMF, nhìn chung triển vọng tài khóa của Việt Nam tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia mới nổi khác. Nợ công trong trung hạn của Việt Nam vẫn trong phạm vi kiểm soát.
Theo ông Paulo Medas, trong thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của các cú sốc, mức nợ công của hầu hết quốc gia của khu vực châu Á tương đối cao, thậm chí một số quốc gia đã tăng gấp đôi và hơn gấp đôi mức nợ. Tuy vậy, Việt Nam là một trong số trường hợp ngoại lệ khi duy trì được mức nợ bền vững và tương đối thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực.
Đại diện IMF cũng cho rằng, một số khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải là xu hướng chung khá phổ biến ở châu Á.
Về phát triển thị trường TPCP, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho hay, cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý cho thị trường trái phiếu trong đó có bao quát thị trường TPCP. Ngay từ thời điểm đó, nhiều yếu tố nền tảng cho sự phát triển thị trường này đã được xây dựng gồm đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cần có đường cong lợi suất dựa trên yếu tố thị trường…
Mặc dù hiện nay, nguồn cung thị trường TPCP tại Việt Nam còn hạn chế như phân tích từ phía IMF, tuy nhiên, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho rằng, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu khi áp dụng cách tiếp cận mang tính cẩn trọng, duy trì tỷ lệ nợ/GDP thấp, do đó, mức độ xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ được cải thiện qua từng năm.
Cũng theo đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, trong vài năm qua, Việt Nam có số thu ngân sách nhà nước hiệu quả, chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, số trả nợ gốc thấp nên chưa phát hành nhiều TPCP. Đến nay, Việt Nam cũng chưa phát hành TPCP trên toàn bộ các dải lãi suất….