Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển: Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết lần này thể hiện tinh thần "dám nghĩ, dám làm" và được thể hiện khá rõ nét qua từng chính sách cụ thể - Ảnh: VGP/LS
Đại biểu Đỗ Đức Hiển phân tích:Trong quá trình phát triển, TPHCM luôn là địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách thí điểm. Xuất phát từ chính nhu cầu và đặc trưng riêng có của Thành phố, trong giai đoạn từ Đổi mới đến nay, nhiều mô hình thí điểm đã được thực hiện, khẳng định tính hiệu quả.
Dẫn chứng cụ thể: Năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chủ trương thành lập khu chế xuất. TPHCM được chọn để thí điểm với việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận. Việc thí điểm thành công đã mở đường cho việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn cả nước, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện định chế này trong các đạo luật về đầu tư, doanh nghiệp...
Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, Thành phố là 1/10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng. Kết quả thí điểm mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và làm cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố. Cải cách hành chính với cơ chế "Một cửa" và sau này được bổ sung thành "Một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính khởi đầu từ sự tìm tòi sáng tạo của Thành phố đã được khẳng định là đúng, hiện đang được áp dụng chung cho các cơ quan hành chính Nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền trong cả nước.
Trong lĩnh vực tư pháp, việc thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xã hội hóa thi hành án dân sự thông qua mô hình thừa phát lại đã góp phần tạo nên một bức tranh mới, một sức sống mới của đời sống pháp luật và tư pháp trong một nền kinh tế thị trường đang từng bước hoàn thiện và một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình định hình. Bên cạnh đó, phát huy khả năng và tính chủ động tích cực của mình, Thành phố cũng đã và đang tổ chức triển khai nhiều mô hình thí điểm theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ, chẳng hạn như thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm, thí điểm lao động ngoài trại giam, thí điểm xử lý nợ xấu, thí điểm đấu giá biển số xe ô tô...
"Việc thí điểm các mô hình trên địa bàn TPHCM cho thấy, tuy thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, với quy mô và thời gian thực hiện đa dạng nhưng có điểm chung là đều xuất phát từ thực tiễn khách quan, được nghiên cứu thận trọng và quá trình tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đem lại hiệu quả thiết thực", đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh.
Thưa ông, có phải từ những cơ sở thực tiễn này để chúng ta "thai nghén" và cho ra đời Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TPHCM?
Đại biểu Đỗ Đức Hiển: Xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của Đông Nam Á là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và được xác định không chỉ là nhiệm vụ của Đảng bộ, Nhân dân TPHCM mà còn là trách nhiệm chung của cả nước.
Năm 2017, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, phát triển Thành phố đến năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 21-KL/TW, trong đó yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép TPHCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhanh, bền vững hơn. Thực hiện chủ trương này, Nghị quyết 54 của Quốc hội được ban hành, cho phép Thành phố thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực gồm: Quản lý đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách Nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.
Đánh giá thực hiện Nghị quyết cho thấy, các chính sách thí điểm, cơ chế đặc thù đối với Thành phố đã góp phần vào sự phát triển của TPHCM trong những năm gần đây. Một số nội dung sau khi được triển khai đã được luật hóa để áp dụng cho cả nước; một số tiếp tục được nhân rộng thí điểm ở tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ chế, chính sách có hiệu quả chưa cao, một số chính sách chưa đủ mạnh, có sức nặng để tạo đà tăng trưởng, sức bật cho Thành phố; một số chính sách còn vướng mắc với các quy định khác của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức nhưng lại thiếu các chính sách đặc thù, đặc biệt dẫn đến mục tiêu tạo ra không gian, động lực phát triển mới chưa đạt được như kỳ vọng.
Có nghĩa là TPHCM có "chính sách đặc thù" nhưng chưa "vượt trội", thưa ông?
Đại biểu Đỗ Đức Hiển: Vấn đề này đã được nêu trong tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp về "ban hành chính sách, pháp luật vượt trội đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới", Nghị quyết được coi là đòn bẩy chính sách mà Thành phố phải nắm bắt và tận dụng có hiệu quả. Thể chế hóa Nghị quyết này, cấp ủy, chính quyền Thành phố đã phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố thay thế Nghị quyết 54.
Vậy dự thảo Nghị quyết của Quốc hội lần này quy định cụ thể ra sao để có "chính sách vượt trội", thúc đẩy TPHCM phát triển vượt trội, thưa ông?
Đại biểu Đỗ Đức Hiển: Dự thảo Nghị quyết lần này có 12 điều quy định 44 chính sách cụ thể thuộc 7 nhóm lĩnh vực lớn gồm: (1) Quản lý đầu tư; (2) Tài chính ngân sách; (3) Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; (4) Thu hút nhà đầu tư chiến lược; (5) Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (6) Tổ chức bộ máy của Thành phố; (7) Tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Trong các chính sách nêu trên, có một số chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; một số chính sách đã được Quốc hội quyết định cho áp dụng thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố; một số chính sách đã có trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số chính sách mới, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, đồng thời tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để Thành phố phát triển, có tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với Thành phố mà còn cho cả vùng, cả nước.
Qua nghiên cứu các chính sách thấy rằng dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa cơ đầy đủ chủ trương của Đảng đã được xác định tại Nghị quyết 31-NQ/TW, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Mục tiêu của các chính sách một mặt nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo, khai thác triệt để, có hiệu quả nhất các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của Thành phố, mặt khác cũng phù hợp và đồng bộ với mục tiêu của các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của vùng Đông Nam Bộ, bảo đảm tinh thần "Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố", là "hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng". Đồng thời, nội dung các chính sách là khá toàn diện, có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Vậy một trong những "nhiệm vụ" đột phá quan trọng nhất của Nghị quyết lần này là phải tháo được các "điểm nghẽn", vướng mắc về thể chế, chính sách để TPHCM phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế và dư địa sẵn có của mình?
Đại biểu Đỗ Đức Hiển: Trên cơ sở làm rõ những thách thức mà Thành phố đang đối mặt thời gian qua, dự thảo Nghị quyết cũng đã tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần có sự đột phá. Do là chính sách thí điểm của Quốc hội, các quy định trong nghị quyết ngoài yêu cầu phải phù hợp với Hiến pháp thì có thể là nội dung chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống pháp luật trong trạng thái động, để bảo đảm quy định của nghị quyết không bị vô hiệu hóa bởi các quy định của các luật được ban hành sau, trong dự thảo Nghị quyết cần đặc biệt lưu ý quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật, theo đó trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì ưu tiên áp dụng quy định của Nghị quyết, ngoại trừ trường hợp việc áp dụng các quy định đó là có ưu đãi, thuận lợi hơn; việc áp dụng hoặc không áp dụng trong trường hợp này do chính quyền Thành phố quyết định.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cần quan tâm là phải chủ động chuẩn bị văn bản quy định chi tiết thi hành ở cấp Chính phủ, các Bộ nhằm bảo đảm đồng bộ, nhất là những nội dung phân cấp, phân quyền cho Thành phố và các quận, thành phố Thủ Đức nhưng còn thiếu quy định về trình tự, thủ tục thực hiện.
Ngoài ra, tại Nghị quyết 31-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế để cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; coi đây là một trong những giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
Có thể thấy rằng việc TPHCM mạnh dạn đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết lần này cũng đã thể hiện tinh thần "dám nghĩ, dám làm" và điều này được thể thể hiện khá rõ nét qua từng chính sách cụ thể. Và nếu được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này, Nghị quyết cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên của Thành phố nói riêng trong việc mạnh dạn thực hiện các giải pháp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, những vướng mắc về cơ chế, thủ tục, cũng như mô hình mới, cách làm hiệu quả theo đúng tinh thần khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Đảng ta đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn (thực hiện)
Nguồn: baochinhphu.vn