Ngày 9/5 là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới COVID-19 tại Ấn Độ vượt 400.000 ca/ngày - Ảnh: EPA
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 10/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 158.954.447 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 3,3 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 136,4 triệu người.

Châu Âu hạ nhiệt

Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 11.200 ca nhiễm mới, ít hơn khoảng 2.600 ca so với Chủ Nhật trước (tương đương mức giảm gần 19%), trong khi số ca tử vong trong ngày là 127 ca. Hiện số người còn đang mắc COVID-19 ở Đức là 273.478 trường hợp. Tính từ đầu dịch tới nay đã có 3,52 triệu ca nhiễm và 84.790 ca tử vong.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm những ngày qua, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier nhận định về khả năng sớm dỡ bỏ các hạn chế ở nhiều khu vực quận/huyện/thành phố trong vài ngày hoặc vài tuần tới, trong đó có việc cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời.

Trong khi đó, Anh ghi nhận thêm 1.770 ca mắc và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi vì COVID-19 lên lần lượt 4.434.860 ca và 127.605 ca. Văn phòng Thủ tướng Anh tối 9/5 thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ tổ chức họp báo vào chiều 10/5 để thông báo việc khởi động bước thứ 3 trong "lộ trình" thoát khủng hoảng của Anh từ ngày 17/5.

Những biện pháp hạn chế được nới lỏng gồm cho phép tụ họp 30 người ở ngoài trời cũng như dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội giữa bạn bè và gia đình để được ôm nhau. Các khách sạn cũng được phép phục vụ khách hàng đồ ăn uống trong nhà. Các rạp chiếu phim và một số địa điểm trong nhà lớn cũng được mở lại, sau khi chính phủ tiến hành nhiều sự kiện thí điểm để kiểm tra các biện pháp an toàn.

Tại Bỉ, sau 7 tháng tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, kể từ ngày 8/5, các quán ăn và cà phê ở Bỉ đã được phép mở cửa trở lại đón khách nhưng đều phải phục vụ ngoài trời. Giới chức Bỉ đang xem xét việc mở lại các lễ hội vào nửa sau mùa Hè. Quyền tiếp cận các cuộc tụ họp lớn, vốn bị cấm ở Bỉ do đại dịch COVID-19, sẽ phụ thuộc vào hoạt động xét nghiệm và tiêm chủng vaccine. Ủy ban tham vấn của chính phủ Bỉ sẽ nhóm họp vào ngày 11/5 để xác định những điều kiện để xúc tiến mở cửa trở lại. Tính tới ngày 10/5, Bỉ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc COVID-19 và 24.511 trường hợp tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Ngày 9/5, Tây Ban Nha đã chính thức dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ tháng 10/2020. Như vậy, lần đầu tiên sau nhiều tháng, những người dân nước này đã được phép tự do đi lại giữa các vùng. 

Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha áp dụng biện pháp khẩn cấp để phòng dịch như lệnh giới nghiêm ban đêm, lệnh cấm đi lại không cấp thiết giữa các vùng. Nhà chức trách đã tạm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong vài ngày vào dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, do số ca mắc tăng mạnh sau dịp lễ này, Tây Ban Nha đã quyết định không nới lỏng lệnh hạn chế đi lại trong nước trong tuần Lễ Phục sinh – thường là mùa cao điểm du lịch tại đây.

Châu Á căng thẳng

Chính phủ Ấn Độ đang đối mặt với sức ép ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từng được áp dụng trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 đầu tiên vào năm ngoái, để ứng phó với làn sóng dịch bệnh đang ngày càng xấu đi hiện nay. 

Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi ban bố một lệnh phong tỏa "hoàn toàn, có chuẩn bị tốt và được thông báo trước" trên cả nước, thay cho các lệnh giới nghiêm ban đêm và một số biện pháp hạn chế mà các địa phương đang triển khai thực hiện ở thời điểm hiện tại. IMA bày tỏ bất ngờ trước việc Bộ Y tế Ấn Độ đã "không có hành động phù hợp" để ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay. 

Trong bối cảnh đó, ngày 9/5, chính quyền thủ đô New Delhi và bang Uttar Pradesh đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm cho đến ngày 17/5. 

Ngày 9/5, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 ở mức cao. Cụ thể, đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Á này vượt 400.000 ca/ngày và ngày thứ 2 liên tiếp số ca tử vong trên 4.000 ca/ngày. Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe của Ấn Độ ước tính số ca tử vong do COVID-19 tại nước này có thể lên tới 1 triệu người vào tháng 8. Con số báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đến nay có tổng cộng 22.296.414 ca nhiễm và 242.362 ca tử vong do COVID-19. 

Tại Đông Nam Á, Malaysia ngày 9/5 ghi nhận thêm 3.733 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 26 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên thành 440.677 người, trong đó có 1.683 ca tử vong.  

Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, Chính phủ Malaysia đã tái áp dụng Lệnh kiểm soát đi lại (MCO 3.0) tại nhiều khu vực từ ngày 6/5, cấm đi lại xuyên quận trên phạm vi toàn quốc từ ngày 10/5-6/6, cấm tổ chức các sự kiện, hoạt động xã hội, giáo dục, kinh tế có thể dẫn tới tụ tập đông người và các hoạt động chính thức và xã giao trực tiếp của chính quyền cũng như khối tư nhân.

Số ca mắc mới COVID-19 mới ở Malaysia đang tăng mạnh. Hai ngày qua liên tục ở mức trên 4.000 ca và ở mức cao nhất trong 3 tháng vào hôm 8/5 với 4.519 ca. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, nếu người dân tiếp tục không tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, số ca mắc mới hằng ngày có thể tăng lên 7.000 ca cuối tháng 5 này. 

Cũng trong ngày 9/5, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có 7.174 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên tới 1.101.990 ca. Trong 24 giờ trước khi báo cáo công bố, Philippines có thêm 204 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi, theo đó tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 18.472 ca.

Ngày 9/5 là ngày thứ 3 liên tiếp, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 trên 6.000 ca/ngày, trong đó số bệnh nhân trở nặng đã tăng lên 1.144 ca - mức cao chưa từng có. Theo báo cáo công bố ngày 9/5, các biến thể của SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trong bối cảnh nước này đang ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4. Hiện thủ đô Tokyo là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất với 1.032 ca. Trước đó 1 ngày, Tokyo thông báo có 1.131 ca nhiễm mới - mức cao nhất kể từ ngày 22/1 - thời điểm Nhật bản ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2. 

Ngoài Tokyo, "điểm nóng" của dịch COVID-19 còn có Fukuoka, Hokkaido. Cả 2 địa phương này trong ngày 9/5 đều ghi nhận số ca nhiễm mới trên 500 ca. 

Hiện Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch thiết lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại thủ đô Tokyo và Osaka, trong đó huy động các y, bác sĩ của Lực lượng phòng vệ làm việc tại đây để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tỉnh Osaka trong ngày 9/5 ghi nhận 875 ca nhiễm mới, và chính quyền tỉnh đang chuẩn bị triển khai tiêm chủng 5.000 mũi vaccine/ngày tại trung tâm tiêm chủng của tỉnh.

An Bình (tổng hợp)
Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Dich-COVID19-Diu-tai-chau-Au-nong-tai-chau-A/430745.vgp