Sáng 24/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Hình ảnh: Duy trì hay bỏ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích? số 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp 

Thống nhất duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy đã báo báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Trong đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên UBTVQH.

Theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, hiện có 2 loại ý kiến về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định Quỹ trong Luật vì hiện nay đã phủ sóng tất cả vùng sâu, vùng xa; hoạt động chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; hoạt động chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc, bất cập. Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định về Quỹ cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn. 

Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT thống nhất với loại ý kiến thứ hai. Bởi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục triển khai hạ tầng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G đến địa bàn cấp thôn; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối. 

Lĩnh vực viễn thông có tính đặc thù, số doanh nghiệp tham gia không nhiều do hạn chế về tài nguyên viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông thường chọn các địa bàn kinh doanh có lợi nhuận mà không triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vì chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ bù đắp chi phí. 

Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT cũng lý giải, theo công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), có 91 nước duy trì Quỹ để thực hiện phổ cập dịch vụ viễn thông. Tuỳ thuộc vào mỗi nước, Quỹ được sử dụng để hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi mà chi phí đầu tư cao, không đem lại lợi nhuận; hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, điện thoại cố định, điện thoại di động cho trường học, bệnh viện, người có thu nhập thấp...

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất đổi tên Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thành Quỹ Dịch vụ viễn thông phổ cập để phù hợp với thông lệ quốc tế về nhiệm vụ chính của Quỹ là thực hiện phổ cập dịch vụ viễn thông. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập chiếm khoảng 95% tổng kinh phí thực hiện. Việc đổi tên này chỉ là thay đổi tên gọi pháp nhân của Quỹ. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với đề xuất trên vì qua rà soát bước đầu chưa thấy có vướng mắc gì, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo rõ ràng hơn với UBTVQH các vấn đề liên quan. 

Nghiên cứu xây dựng luật quản lý thống nhất cho các quỹ ngoài ngân sách

 Nêu quan điểm tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, thực tiễn thời gian vừa qua việc triển khai Quỹ cũng còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến các cơ chế cũng như hướng dẫn chi tiết cụ thể về mức hỗ trợ với các đối tượng. Ông đề nghị cần làm rõ thêm nguyên nhân, vướng mắc cụ thể dẫn đến việc thực hiện mục tiêu của Quỹ chưa như mong muốn để có đủ hành lang pháp lý cụ thể hơn, tốt hơn trong thời gian tới.

Liên quan đến nội dung của Quỹ, theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, ngoài việc hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, khó khăn tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích thì Quỹ cần phải có các thiết chế, thiết kế cụ thể về các nội dung khác như: chia sẻ hạ tầng, vấn đề liên quan đến tiếp cận môi trường công cộng… 

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình tiếp tục duy trì Quỹ, song đề nghị làm rõ dự thảo luật sửa đổi đã tháo gỡ được các vướng mắc hiện nay chưa để thuyết phục được các đại biểu Quốc hội.

Với đề nghị đổi tên Quỹ, ông nhấn mạnh, quan trọng nhất là sau này Quỹ có thực hiện được mục đích phổ cập dịch vụ viễn thông công ích không? Còn việc đổi hay không đổi tên không thực sự quan trọng. 

Không đồng tình với đề xuất đổi tên Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thành Quỹ Dịch vụ viễn thông phổ cập, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, từ “công ích” là rất hay, phù hợp với bản chất của chế độ ta.

Đáng chú ý, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải có nhận thức, tư duy lâu dài về Quỹ, đồng thời khắc phục chuyện quản không được thì cấm. “Tôi thấy nhiều Quỹ hoạt động kém là do nguồn hình thành không rõ ràng, minh bạch nên không quản được, sau cấm không cho hoạt động” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Mặt khác, do mô hình tổ chức hoạt động không thống nhất, nên một số quỹ hoạt động không hiệu quả. 

Nhấn mạnh việc thành lập quỹ ngoài ngân sách trên tất cả các lĩnh vực là cần thiết, song Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng vấn đề cần quan tâm là cần có một văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động của Quỹ. Do đó, đề nghị cần ban hành một luật về quản lý quỹ ngoài ngân sách cho cụ thể, thiết thực, chứ không nên loay hoay bàn có duy trì quỹ hay không.

"Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng luật, không ở nhiệm kỳ này thì cho các nhiệm kỳ sau” – Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Chi cho biết, khoản doanh nghiệp viễn thông đóng vào quỹ là khoản ngoài quy định về thuế. Thực tế cần thiết giữ quỹ này, tuy nhiên hoạt động vừa qua có tồn tại trong quản lý, sử dụng, tồn dư quỹ lớn nên hiệu quả không cao.

Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc xử lý linh hoạt, phù hợp hơn khoản đóng góp hằng năm. Đồng thời đề xuất cân nhắc báo cáo Quốc hội luật này quy định mức tối đa, còn cụ thể hàng năm giao Chính phủ quy định trên cơ sở đánh giá mức tồn quỹ, nhu cầu trong năm và của năm mới để đưa ra mức đóng phù hợp nhất, tránh dư quỹ quá nhiều./.

Kim Thanh

Nguồn: dangcongsan.vn