Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, làn sóng COVID-19 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các thành phố kinh tế trọng điểm, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã tác động mạnh đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã ghi nhận số tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, khu vực Dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05% vào mức tăng trưởng chung; ngành Bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3% trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành Vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47%; ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57%...
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận sự đóng góp có vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế đến từ một số ngành. Đó là, khu vực Nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; khu vực Công nghiệp và xây dựng với mức tăng 3,5%, đóng góp 98,53% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế...
Trong khu vực Công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế...
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1,42% thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm sẽ khó khả thi.
Tuy nhiên, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, GDP 9 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng dương, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Bên canh đó, sự lãnh đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong kiểm soát dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại trong tình hình mới sẽ là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng quý IV và cả năm 2021.
Dựa vào tăng trưởng 9 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 kịch bản về tăng trưởng cả năm 2021.
Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 2,5%, để đạt được mức trên, thì tăng trưởng quý IV/2021 phải đạt 5,3%.
Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 3,0%, để đạt được mức này thì tăng trưởng quý IV phải đạt 7,1%.
Trong đó, kịch bản 1 khả thi hơn với mức tăng trưởng quý IV/2021 đạt 5,3%, mức này cao hơn quý I với 4,48% nhưng thấp quý II là 6,61%, trong khi với kịch bản 2, bắt buộc phải đạt mức tăng trưởng 7,1% trong quý IV/2021.