Hình ảnh: Hà Nội: Cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt hơn 63.000 tỷ đồng số 1
Trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 14,33%, dư nợ trung và dài hạn tăng 9,29%; dư nợ VND tăng 12,32%, dư nợ ngoại tệ tăng 1,48% so với 31/12/2021.  
 
Cụ thể dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội đến 31/10/2022 dự kiến như sau: Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 240.317 tỷ đồng, chiếm 9,03%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 507.746 tỷ đồng, chiếm 19,08%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 137.560 tỷ đồng, chiếm 5,17%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 63.325 tỷ đồng, chiếm 2,38%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 9.951 tỷ đồng, chiếm 0,37%; cho vay chính sách xã hội đạt 12.851 tỷ đồng, chiếm 0,48%; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 550.398 tỷ đồng.
 
Dự kiến đến 31/10/2022, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn Thành phố chiếm 1,89% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo. Các TCTD tích cực nâng cao năng lực quản lý rủi ro đối với các khoản vay thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề.
 
Đáng chú ý, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
 
Những tháng cuối năm 2022, NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và giám sát TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen.
 
Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn vốn vay. Triển khai khẩn trương, nghiệm túc, trách nhiệm chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 và Thông tư 03.  
 
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính
 
Tại Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội năm 2022 tổ chức gần đây, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho biết, sau 2 năm gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sang kinh doanh mảng khác.
 
Phó Chủ tịch HANSIBA chia sẻ, trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị.
 
Ông Vân kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi. Bên cạnh đó, mở ra thêm các hình thức tín chấp bởi trên thực tế nhiều doanh nghiệp "cởi áo vest ra là hết tiền".
 
"Doanh nghiệp có thể thế chấp bằng máy móc thiết bị, nhà xưởng, có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên. Đề xuất Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội xem xét tài trợ cho vay các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đặc biệt sau COVID-19 nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất 3 tại chỗ", ông Vân kiến nghị.
 
Nhật Thy
Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/ha-noi-cho-vay-cong-nghiep-ho-tro-dat-hon-63000-ty-dong-102221027100953604.htm