Thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng do bão lũ

Không chỉ người dân, mà rất nhiều doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão Yagi và hoàn lưu bão, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang phải đối mặt với gánh nặng nợ ngân hàng. Trước tình hình thiệt hại của người dân, doanh nghiệp, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Theo ông Lê Duy Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Tới đây, VietinBank sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại của các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

“Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của Ngân hàng, VietinBank sẽ đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống", đại diện VietinBank cho biết.

Tương tự, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng cho biết sẽ không chỉ giảm và ưu đãi lãi suất mà đang chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời.

Agribank cũng đã thành lập các đoàn công tác đi thực địa, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ, cho vay mới… nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh. 

Còn đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Lê Trung Thành – Phó Tổng Giám đốc cho biết, Ngân hàng sẽ tích cực đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng. Ngân hàng coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên, đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi…, đồng thời, ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.

Giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị thiệt hại

Ông Lê Hoàng Tùng-  Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, theo uớc tính đã có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn TP. Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đại diện của Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5 điểm % trong giai đoạn từ ngày 6/9 đến ngày 31/12 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Dư nợ giảm lãi suất khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.

Trong khối các ngân hàng thương mại, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là ngân hàng đầu tiên công bố chương trình ưu đãi lãi suất vay nhằm nhằm đồng hành và chia sẻ với khách hàng trong thời gian phục hồi và ổn định hoạt động kinh doanh sau cơn bão Yagi.

Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Eximbank giảm thêm 1% lãi suất trong tháng đầu tiên, áp dụng theo chương trình ưu đãi lãi suất của ngân hàng cho các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng. Với khoản vay trung và dài hạn, Ngân hàng miễn lãi suất 0% trong 2 tháng đầu tiên và lãi suất cố định 7.49%/năm cho 10 tháng tiếp theo.

Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân, Eximbank áp dụng ưu đãi giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường, đưa lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 4.75%/năm cho các khoản vay ngắn hạn.

Đại diện của Eximbank cho biết, Ngân hàng hy vọng thông qua những giải pháp tài chính linh hoạt và hiệu quả này, khách hàng sẽ sớm phục hồi và ổn đinh hoạt động kinh doanh.

Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng quyết định giảm 1-2 điểm % lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai. Đồng thời, áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão. ACB cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong quyết định giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng vừa thông báo giảm 1 điểm % lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão.

Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi bao gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%. Hạn mức cao, thời gian vay dài đồng thời được hỗ trợ đa dạng mục đích tài trợ vốn cũng như hình thức cấp tín dụng như khoản vay, thấu chi, bảo lãnh và thẻ tín dụng... thực sự là nguồn trợ lực lớn giúp các hộ kinh doanh vững vàng sau bão lũ.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa phát đi thông báo cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc xem xét miễn giảm lãi vay, cơ cấu nợ và hỗ trợ khách hàng vay mới bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, VPBank sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Cụ thể, các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất.

Bên cạnh giảm lãi suất vay, VPBank cũng điều triển khai cho vay với lãi suất cực kỳ hấp dẫn chỉ 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu tiên cho toàn bộ các khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác hoặc vay mua bất động sản, vay xây dựng sửa chữa nhà.

Trước đó, vào gày 9/9, NHNN đã có công gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và chi nhánh NHNN tại 35 tỉnh thành phố về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

NHNN yêu cầu các TCTD chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh theo quy định; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.

Theo https://tapchitaichinh.vn/hang-loat-ngan-hang-giam-lai-suat-de-ho-tro-doanh-nghiep-bi-thiet-hai-do-bao-yagi.html