Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 (bão Yagi) gây thiệt hại đối với địa bàn Tỉnh ước tính trên 23.700 tỷ đồng. Theo thống kê của UBND Tỉnh, đến thời điểm này, Quảng Ninh có hơn 102.000 nhà bị tốc mái, 251 nhà bị đổ sập; hơn 4.900 nhà bị ngập, sạt lở.

Về nông nghiệp, hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 41 tàu bị chìm; hơn 7.400ha hoa màu, lúa bị ngập úng; hơn 2.000 gia súc và hơn 345.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000ha rừng trồng bị gẫy đổ.

Về điện và viễn thông, hơn 5.400 cây cột điện các loại bị gẫy, đổ; 73 trạm điện, 1.211 trạm viễn thông mất liên lạc và 739 cột viễn thông bị hư hỏng…

Thiệt hại vật chất khác, khoảng 70% cây xanh bị gẫy, đổ; 165 các loại tàu bị chìm, trôi dạt; 148 vị trí sạt lở ta luy dương, 54 vị trí sạt lở ta luy âm; 34 điểm ngập lụt gây ách tắc giao thông. Nhiều nhà cửa cao tầng, trụ sở các cơ quan, trường học bị hư hại nặng; hạ tầng cơ sở ở các KCN ven biển tại Thị xã Quảng Yên bị hư hại nặng trên diện rộng…

Chị Ngô Thị Thuý ở Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An (Thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh) cho biết, những ngày này bà con Tân An gặp nhau là ôm nhau và khóc, chỉ biết tự an ủi rằng “còn người là còn của”. Bão qua đi, mọi người sẽ tiếp tục công việc của mình, tiếp tục gắn bó với biển để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chị Thúy chia sẻ về những thiệt hại của gia đình và bà con Tân An cùng đoàn công tác của NHNN.
Chị Thúy chia sẻ về những thiệt hại của gia đình và bà con Tân An cùng đoàn công tác của NHNN.

Đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang, thiệt hại của gia đình chị Thuý lên tới 12 tỷ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng.

“Gia đình tôi vay Agribank trên địa bàn 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Thúy chia sẻ.

Chung hoàn cảnh thiệt hại nặng nề sau bão, ông Vũ Văn Cường, ngụ tại Khu 3 Tân An, cho biết, 3 bè cá của gia đình ông thiệt hại gần 14 tỷ đồng, những nhà bên cạnh thiệt hại 20, 30 tỷ đồng. “Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại”, ông Cường nói.

Theo chia sẻ của người dân, dù biết rằng cơn bão sắp đổ bộ, cũng làm đủ mọi biện pháp để chống đỡ, nhưng đứng trước sức tàn phá của cơn bão, những hộ dân tại đây đành nhìn tài sản trôi theo dòng nước.

Chứng kiến những tổn thất nặng nề của các hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Yên và các địa phương khác của Quảng Ninh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã động viên các hộ dân nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, vực lại tinh thần để vượt qua giai đoạn này.

Đồng thời, ông Tú khẳng định, NHNN đã chỉ đạo NHTM triển khai những chính sách hỗ trợ phù hợp như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi… để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp vay vốn. Đặc biệt, những ngày sau bão, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, giúp người dân có nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, từng bước ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.

“Hậu quả của bão số 3 là rất lớn. Rất nhiều doanh nghiệp, bà con là khách hàng của các ngân hàng mất trắng tài sản, không có khả năng trả nợ, và trước mắt cũng không có nguồn nào bù đắp. Chính vì thế, đây là một vấn đề rất lớn đặt ra đối với trách nhiệm của ngành Ngân hàng. Do đó, các NHTM cần có chính sách kịp thời, phù hợp, giải quyết vấn đề trước mắt và cả về lâu dài để người dân ổn định và hồi phục sau cơn bão”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo https://tapchitaichinh.vn/ngu-dan-quang-ninh-mong-duoc-ngan-hang-hoan-no-gian-no-va-cho-vay-moi.html