Chiều 4-9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8-2020 dưới sự chủ trì của đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ.

Thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 8-2020 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020; đánh giá bước đầu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và một số nội dung khác.

Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, trong tháng 8 vừa qua chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19 rất thành công. Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp. Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.

Trong bối cảnh, trên thế giới, nhiều quốc gia tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp; sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch COVID-19, một số ý kiến dự báo về khả năng "suy thoái kép" của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.

Chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định. CPI tháng 8-2020 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% so với mục tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,66%.

Thu ngân sách nhà nước đạt không cao, 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán. Chi ngân sách thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 7-2020, đã thực hiện chi gần 88 nghìn tỷ đồng (ngoài dự toán ngân sách nhà nước năm 2020) để hỗ trợ chính sách, trong đó miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, người dân khoảng 71,9 nghìn tỷ đồng; chi khoảng 15,8 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt hơn 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%); cao nhất giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, tổ chức 7 đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ phân loại dự án, tiến độ hoàn công và thủ tục thanh toán tại Kho bạc…

Công tác triển khai thu hút đầu tư nước ngoài tuy chưa được như kỳ vọng, song chúng ta đã thu hút được 19,54 tỷ USD vốn đầu tư FDI và giải ngân được 11,4 tỷ USD.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Một điểm sáng của ngành nông nghiệp là nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng (tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Đặc biệt đã xuất siêu hơn 11,9 tỷ USD. Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Kéo theo đó là hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước). Tính chung 8 tháng, giảm 0,02%.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%). Nhưng, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tốt kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm hiệu quả, khách quan, công bằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới. 6/6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương năm 2020 tại Indonesia đều đạt giải cao; trong đó có 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Chúng ta chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020. Tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế trong nước; nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn.

Tại buổi họp báo, các thành viên Chính phủ đã trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và sai phạm của ông Chung liên quan đến các vụ án như thế nào, đặc biệt là với vụ án Nhật Cường? Cá nhân, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm với vụ ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay? Chính phủ công bố thời gian mở lại đường bay quốc tế là 15-9, vậy việc cách ly sau khi nhập cảnh thực hiện như thế nào để không bùng phát dịch lần thứ 3? Quan điểm về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét không thu thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc, mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19? Về vụ án nâng khống giá trị liên kết ở Bệnh viện Bạch Mai và trục lợi điều trị cho bệnh nhân? Việc san lấp Hồ Đại Lải…

PV

Theo http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/hop-bao-chinh-phu-thuong-ky-thang-8-2020?inheritRedirect=false&redirect=http%3A%2F%2Fubkttw.vn%2Ftin-tuc-thoi-su%3Fp_p_id%3D101_INSTANCE_bHGXXiPdpxRC%26p_p_lifecycle%3D0%26p_p_state%3Dnormal%26p_p_mode%3Dview%26p_p_col_id%3Dcolumn-1%26p_p_col_pos%3D1%26p_p_col_count%3D2