Mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ
Ngày 27/1/2021, Tập đoàn Intel (Mỹ) đón nhận giấy chứng nhận điều chỉnh bổ sung thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV).
Intel Products Việt Nam là nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu, đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM. Vốn đầu tư bổ sung trị giá 475 triệu USD từ Intel giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10. Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư hơn 1 tỉ USD trước đó của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại tại Khu Công nghệ cao TPHCM - dự án đã được công bố lần đầu vào năm 2006.
Khoản đầu tư của Intel có quy mô vốn lớn nhất cam kết vào Khu Công nghệ cao TPHCM cho đến thời điểm hiện tại. (Ảnh: Internet)
Động thái này nhằm giúp hãng “tiếp nhận các công nghệ phức tạp hơn”, cũng như đa dạng hóa sản xuất ra những sản phẩm khác, bên ngoài mặt hàng chủ lực là bộ xử lý trung tâm của máy tính (CPU). Như vậy, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện lên tới hơn 1,5 tỉ USD. Đây cũng là khoản đầu tư có quy mô vốn lớn nhất cam kết vào Khu Công nghệ cao TPHCM cho đến thời điểm hiện tại.
Hiện nay, Khu Công nghệ cao TPHCM có 161 dự án đang hoạt động, trong đó 51 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Năm qua, giá trị sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của khu này đạt gần 20 tỷ 700 triệu USD.
Tập đoàn vật liệu bán dẫn khổng lồ của Mỹ cũng thông báo dự định liên kết với một số bên thứ ba để sản xuất thêm nhiều sản phẩm trong những năm tới. Theo Nikkei Asia, những đối tác tiềm năng của Intel bao gồm hãng sản xuất TSMC của Đài Loan. TSMC đang phát triển chip 5 nannomet, loại chip tân tiến nhất hiện nay trong ngành. TSMC được cho là đang đối thoại cùng Intel về ít nhất 5 dự án gia công sắp tới. Intel gần đây bắt đầu gặp khó khăn khi giữ lợi thế cạnh tranh về công nghệ, trong đó có thể kể đến việc hãng chậm ra mắt chip 7 nanomet.
Nikkei Asia nhận định Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ. Các công ty như Samsung Electronics hay Pegatron (nhà cung ứng cho Apple) bắt đầu rời khỏi Trung Quốc và đến Việt Nam trong những năm gần đây vì chi phí tăng cao, cũng như bất ổn thương mại và địa chính trị.
Đây được đánh giá là một bước tiến giữa giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành. Trong khi các quốc gia láng giềng vẫn phải đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã có thể mở cửa phần lớn hoạt động của mình. Điều này cho phép Intel nâng sản lượng thêm 30% trong nửa đầu năm 2020 so với một năm trước đó.
10 năm và 2 tỉ sản phẩm ra thế giới
Nhà máy sản xuất của Tập đoàn Intel (Mỹ) đã hoạt động tại Việt Nam được hơn 10 năm và là 1 trong 9 nhà máy của “người khổng lồ” trên toàn cầu.
Tháng 11/2006, Intel công bố khoản đầu tư một tỉ đô la Mỹ để xây dựng một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip hiện đại tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Cho đến giờ, đây vẫn là dự án đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam.
Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, bà Mary Tarnowka cho biết việc Intel Products Việt Nam (IPV) đầu tư công nghệ cao vào năm 2006 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đường cho Samsung và rất nhiều công ty công nghệ cao khác đầu tư vào TP.HCM.
Nhà máy Intel Products Vietnam là cơ sở sản xuất lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới lắp ráp và kiểm định của Intel. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2010, IPV đã tạo ra hơn 5.000 việc làm cho người lao động trong nước. IPV đang sản xuất các sản phẩm mới nhất của Intel bao gồm 5G, IOT, máy tính để bàn, điện thoại di động... IPV xuất khẩu lũy kế khoảng 36 tỷ USD, riêng công ty này chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đóng trụ sở tại Khu công nghệ cao TPHCM năm 2019.
Theo ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch, phụ trách mảng Sản xuất và Vận hành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, công nghệ của Intel giúp mang đến khả năng tính toán quan trọng cho các máy tính và máy chủ nhằm phục vụ hoạt động của mạng và lưu trữ dữ liệu. Đồng thời, chịu trách nhiệm về khả năng tính toán cho những nghiên cứu y tế, robot hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu vì sức khoẻ cộng đồng. Các chip máy chủ của Intel đang giúp chiến đấu với Covid-19 bằng cách cung cấp khả năng tính toán cho nghiên cứu y tế và phân tích dữ liệu lớn nhằm đẩy nhanh tốc độ phát hiện coronavirus và phát triển một loại vắc xin hiệu quả.
Công nghệ của Intel giúp tăng thêm sức mạnh cho một thế giới được kết nối. (Ảnh minh họa: Internet)
Tính đến cuối năm 2020, Intel Products Việt Nam (IPV) đã mang hơn 2 tỉ sản phẩm đến tay khách hàng trên toàn thế giới. Nghĩa là mỗi giây Intel đang sản xuất ra được 25 đơn vị sản phẩm là các chip bán dẫn, các chip xử lý trong máy tính và thiết bị điện tử.
Đặc biệt, trong giai đoạn quan trọng này, công nghệ của Intel giúp tăng thêm sức mạnh cho một thế giới được kết nối - từ các siêu máy tính được sử dụng trong việc phát triển các phương pháp chữa trị Covid-19, đến điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty, chính phủ và các trường học cần sử dụng để điều hành công việc kinh doanh và hoạt động từ xa.
Người đứng đầu Intel Việt Nam đánh giá môi trường chính trị ổn định và các chính sách thương mại, đầu tư ngày càng được tự do hóa, lực lượng lao động trẻ và tài năng là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài.
Intel Việt Nam có vai trò quan trọng về khâu sản xuất của Intel trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Khi Intel chuyển đổi mô hình hoạt động từ tập trung vào máy tính sang tập trung vào dữ liệu sẽ cải thiện nhà máy trở nên đa dạng hơn, công nghệ cao hơn, có khả năng tiếp nhận công nghệ phức tạp hơn và sản xuất nhiều sản phẩm mới để nắm bắt cơ hội trong tương lai.
Hơn 10 năm qua, số lượng nhà cung cấp của Intel đã tăng mạnh, từ 20 nhà cung cấp vào năm 2010 lên đến khoảng 180 nhà cung cấp vào năm 2020. Triết lý của Intel là hợp tác và phát triển hệ sinh thái địa phương ở các quốc gia nơi tập đoàn hoạt động. Tại Việt Nam, Intel đã cung cấp chuyên môn kỹ thuật và quản lý cho nhiều nhà cung cấp địa phương, đồng thời giúp họ mở rộng hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đầu tư trực tiếp nước ngoài khác.
Việc Intel tuyên bố đầu tư vào năm 2006 đã giúp đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử; thúc đẩy cả về mặt kinh tế và xã hội cũng như tăng trưởng trên toàn quốc. Intel đóng góp vào hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam bằng nhiều cách như cải tiến chính sách, giá trị xuất khẩu, tạo việc làm và hệ thống chuỗi cung ứng địa phương. Trong đó, Intel đã phát triển lực lượng lao động với gần 10.000 giảng viên ngành kỹ thuật được đào tạo, trao tặng hàng nghìn học bổng.
Cách đây 15 năm, Intel đã áp dụng chiến lược ba mũi nhọn để xây dựng nguồn nhân lực tài năng cho IPV và cho Việt Nam, bao gồm giải pháp ngắn hạn, dài hạn và đào tạo tại chỗ. Hiện IPV đầu tư 25 triệu USD vào 8 trường đại học tại TP HCM và làm việc cùng 700 sinh viên nữ.
Sự phát triển của IPV kéo theo sự thành công của các đối tác cung ứng và phân phối Việt Nam. CTCP Synnex FPT và CTCP Thế giới số (Digiworld) là hai công ty trong nước được lựa chọn để cung cấp linh kiện, thiết bị gốc (OEM) theo các tiêu chuẩn của Intel. Trong khi đó, một đơn vị phân phối sản phẩm được nhắc đến là CTCP Tin học Viết Sơn.
Trong định hướng tài chính năm 2021, Intel dự kiến đạt doanh thu toàn cầu là 72 tỷ USD và lợi nhuận sau điều chỉnh là 4,55 USD/cổ phiếu. Giữa bối cảnh nhu cầu khách hàng thay đổi và nền kinh tế không chắc chắn, CEO của Intel – ông Bob Swan cho biết vẫn tự tin vào chiến lược kinh doanh của mình khi cung cấp các sản phẩm dẫn đầu, giành thị phần trong thị trường đang được thúc đẩy bởi dữ liệu, AI, mạng 5G và điện toán biên.