Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Vinamilk trả lời các câu hỏi của cổ đông ở phiên thảo luận - Ảnh: VGP/Lê Nguyễn
Năm 2022 là năm Công ty được Hội đồng Quản trị mới điều hành và Vinamilk đã tiếp tục nâng giá trị thương hiệu lên 2,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ, trở thành thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu (theo Brand Finance) và duy trì thứ hạng trong Top 40 doanh nghiệp sữa lớn nhất toàn cầu về doanh thu (theo Plimsoll).
Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 60.075 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 8.578 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần nội địa/xuất khẩu/các chi nhánh nước ngoài đạt lần lượt là 50.704/4.828/4.424 tỷ đồng. Công ty duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông năm 2022 ở mức cao, tổng số tiền cổ tức của năm là 8.046 tỷ đồng, chiếm 94% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của Vinamilk.
Đặc biệt, năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc 20 năm cổ phần hóa thành công của doanh nghiệp này. Với doanh thu tăng 15 lần, lợi nhuận tăng gấp 13 lần so với thời điểm chính thức cổ phần hóa năm 2003. Với tổng đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ đó đến nay là gần 55.300 tỷ đồng, Vinamilk luôn nằm trong nhóm doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông cao nhất, với lũy kế từ khi lên sàn năm 2006 đến nay là 76.228 tỷ đồng.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 là 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ và kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 10.496 tỷ đồng, bằng với với năm 2022.
Cùng với đó, Vinamilk đặt mục tiêu duy trì thị phần dẫn đầu, tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế, kiện toàn lại hệ thống phân phối, đầu tư hệ thống các nhà máy và trang trại, song song triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Về kênh kinh doanh, tiếp nối đà tăng trưởng tốt của năm 2022 đến từ các cửa hàng Giấc mơ sữa Việt, doanh thu tăng trưởng trên 20%, kênh khách hàng đặc biệt với doanh thu tăng trưởng trên 10%, kênh thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hơn 30%, Vinamilk sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư cho kênh Giấc mơ sữa Việt (gồm hệ thống cửa hàng và kênh bán hàng trực tuyến).
Phối cảnh tổ hợp bao gồm trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến hiện đại Vinabeef Tam Đảo - Ảnh: VGP/Lê Nguyễn
Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động R&D, tung các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng, với định hướng không chỉ về giá trị dinh dưỡng mà còn là giá trị cộng thêm cho người tiêu dùng.
Năm 2022, Công ty ra mắt và cải tiến 20 sản phẩm, các sản phẩm mới như Super Nut (Sữa 9 loại hạt) đã giúp cho ngành hàng sữa thực vật tăng trưởng 2 con số bên cạnh việc duy trì tăng trưởng tốt của các ngành hàng chủ lực như sữa chua, sữa đặc, sữa tươi.
Vinamilk đồng thời nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động tại các công ty thành viên, phối hợp để đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm như Nhà máy Sữa Hưng Yên, Dự án chăn nuôi chế biến thịt bò (Vinabeef), Dự án tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu.
Với việc đầu tư hiệu quả cho các chi nhánh nước ngoài, năm 2022, doanh thu của Driftwood (Mỹ) ghi nhận mức tăng trưởng hơn 30%, con số này tại Angkormilk (Campuchia) là hơn 10%.
Cùng với đó, Công ty cũng hoàn thiện các dự án Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jargo (Lào) và đầu tư mở rộng nhà máy, trang trại tại Campuchia với vốn đầu tư dự kiến 42 triệu USD.
Trong mảng xuất khẩu, Vinamilk đã ký kết thành công nhiều hợp đồng với tổng giá trị đạt 100 triệu USD, dự kiến được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023 và đạt hơn 200 triệu USD cho cả năm 2023.
Năm 2022, ĐHĐCĐ Vinamilk đã thông qua phương án chia cổ tức 3.850 đồng/cổ phần. Công ty đã tạm ứng 2 đợt, 1.500 đồng/cổ phần vào ngày 19/8/2022 và 1.400 đồng/cổ phần vào ngày 28/2/2023. Như vậy, Vinamilk sẽ thanh toán nốt cổ tức 950 đồng/cổ phần trong đợt 3, dự kiến vào ngày 5/10/2023. Tổng số tiền cổ tức của năm là 8.046 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinamilk dự kiến dùng tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất để trả cổ tức, dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 vào ngày 5/10/2023 ở mức 1.500 đồng/cổ phiếu.
Lê Nguyễn
Nguồn: baochinhphu.vn