Trên cơ sở nghiên cứu xây dựng quy trình ứng dụng vạt cuống mạch liền tạo hình khuyết hổng cho 50 bệnh nhân có khuyết hổng bàn ngón tay được tạo hình che phủ bằng 50 vạt tại chỗ, nhóm nghiên cứu đánh giá, hình thái tổn thương là yếu tố quyết định đến việc lựa chọn loại cuống liền che phủ khuyết hổng phần mềm. Đối với các khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay có diện tích nhỏ dưới 1cm2 ở ngón tay, dưới 5cm2 ở bàn tay, sử dụng quy trình kỹ thuật ứng dụng vạt cuống mạch liền dạng ngẫu nhiên; đối với các khuyết hổng phần mềm bàn ngón tay có diện tích trên 1cm2 ở ngón tay, trên 5cm2 ở bàn tay sử dụng quy trình kỹ thuật ứng dụng vạt cuống mạch liền dạng trục mạch.
Ông Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Sở Y tế hải Phòng chủ trì hội nghị.
Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật phẫu thuật vạt cuống mạch liền tạo hình khuyết hổng bàn ngón tay bằng vạt ngẫu nhiên và vạt trục mạch, thông qua các bước đầu giống nhau như: Khám lâm sàng để đánh giá mức độ tổn thương khuyết hổng phần mềm và các tổn thương phối hợp; làm các xét nghiệm cận lâm sàng; cắt lọc làm sạch tổn khuyết; kiểm tra đánh giá lại vạt sau mổ hàng ngày và đánh giá kết quả xa sau mổ sau ba tháng bằng việc khám lâm sàng. Tuy nhiên, đối với việc phẫu thuật vạt ngẫu nhiên, cần phải phẫu tích vạt cuống mạch liền theo thiết kế, di chuyển vạt theo kiểu dồn đẩy V-Y, dạng xoay, chuyển tạo hình khuyết hổng. Đối với các vạt trục mạch cần phải cắt lọc làm sạch tổn khuyết siêu âm dopller xác định trục mạch cấp máu cho vạt; thiết kế vạt theo vị trí trục mạch và đặt điểm tổn khuyết; phẫu tích vạt cuống mạch liền theo thiết kế, di chuyển vạt theo hai hình thức xuôi dòng hoặc ngược dòng…
Đề tài được Hội đồng Khoa học đánh giá xuất sắc, có tính mới, tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn lớn; có khả năng ứng dụng tại các cơ sở y tế có trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đồng và có khả năng chuyển giao công nghệ và đào tạo./.