Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) được triển khai trên cơ sở Hiệp định khung ASEAN về Hợp tác SHTT được thông qua ngày 15/12/1995 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 5 ở Bangkok, Thái Lan. Mục tiêu hợp tác ASEAN về SHTT là nhằm bảo đảm việc bảo vệ quyền SHTT một cách thỏa đáng và hiệu quả trong khu vực ASEAN thông qua các chương trình và các hoạt động hợp tác cụ thể, bao gồm việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như xây dựng năng lực của hệ thống SHTT quốc gia của các nước ASEAN.

Các hoạt động hợp tác ASEAN về SHTT được Nhóm Công tác ASEAN về Hợp tác SHTT (AWGIPC), thành lập vào năm 1996, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Trong suốt những năm qua, hợp tác ASEAN về SHTT đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua hoạt động của AWGIPC, nhiều chương trình, dự án đã được đề xuất, thực hiện và mang lại hiệu quả quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống SHTT các nước ASEAN. Có thể kể đến một số chương trình, kế hoạch hợp tác ASEAN tiêu biểu trong lĩnh vực SHTT như: Chương trình hoạt động cho giai đoạn 1996-1998; Chương trình hành động Hà Nội (phần về SHTT) cho giai đoạn 1998-2004; Chương trình hành động Viên Chăn (phần về SHTT) cho giai đoạn 2004-2010; Kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (ASEAN Blueprint 2015); Kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (ASEAN Blueprint 2025)… Các chương trình, kế hoạch này đã đặt ra những mục tiêu tổng quát cho từng giai đoạn phát triển trong lĩnh vực SHTT của các nước ASEAN, bao gồm các hoạt động: hoàn thiện khung pháp luật SHTT; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực SHTT; nâng cao nhận thức công chúng về SHTT; trao đổi thông tin, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực SHTT; tăng cường mối quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký và thực thi quyền SHTT; tham gia các điều ước quốc tế về SHTT liên quan đến thủ tục đăng ký quốc tế các quyền SHTT như: Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu; Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp; Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT) nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các đối tác của ASEAN về SHTT như Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia…; hợp tác chặt chẽ trong việc đàm phán nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).



Văn kiện của Việt Nam chấp thuận Hiệp định khung ASEAN về Hợp tác SHTT

 

Cục SHTT, với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về SHTT, đã tích cực tham gia các hoạt động của AWGIPC từ những ngày đầu thành lập. Cụ thể:

- Tham gia các cuộc họp của AWGIPC cũng như các cuộc họp đối thoại giữa AWGIPC và các đối tác của ASEAN về SHTT như WIPO, EU, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO)… 

- Phối hợp với các nước ASEAN từng bước thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hành động ASEAN về SHTT của các giai đoạn, tích cực triển khai các sáng kiến mà Việt Nam chủ trì và đồng chủ trì với các nước ASEAN khác.

- Phối hợp với các nước ASEAN đàm phán, ký kết và triển khai các FTAs/RTAs.

- Tích cực triển khai các hoạt động hợp tác giữa ASEAN và các đối tác. 

- Đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của ASEAN, gồm các cuộc họp của AWGIPC và các hội thảo khu vực ASEAN về SHTT.

- Cử cán bộ tham dự các hội nghị, hội thảo và các chương trình đào tạo về SHTT do ASEAN phối hợp với các đối tác tổ chức.

Thông qua hoạt động của AWGIPC, Cục SHTT và cơ quan SHTT của các quốc gia trong khu vực đã đã thiết lập một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiểu biết lẫn nhau; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý và thực thi quyền SHTT. Các hoạt động này đã mang lại cho Việt Nam một số lợi ích nhất định, như:

- Với tinh thần cầu thị, Việt Nam đã học hỏi và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác hội nhập quốc tế; đồng thời, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hội nhập về SHTT trong khuôn khổ ASEAN, từng bước khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực.

- Góp phần hoàn thiện hệ thống SHTT của Việt Nam và các nước trong khu vực, qua đó tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN.

- Có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các nước về quản lý và thực thi quyền SHTT; nắm bắt và cập nhật thông tin về các xu hướng phát triển của hệ thống SHTT thế giới.

- Tranh thủ và khai thác một cách hiệu quả sự trợ giúp của các đối tác nước ngoài, góp phần quan trọng vào sự phát triển hệ thống SHTT của Việt Nam, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực thông tin SHTT, nâng cao hiểu biết của công chúng về SHTT.

- Khai thác các khả năng hợp tác song phương với một số nước khác về SHTT.

Năm 2018, với mục tiêu khẳng định vị thế và sự “hội nhập sâu” của Việt Nam trong hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT nói chung và hợp tác ASEAN về SHTT nói riêng, Cục SHTT đã trình Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ Đề án đăng cai đảm nhiệm vị trí Chủ tịch AWGIPC nhiệm kỳ 2019-2021. Đây cũng là một trong những sáng kiến hưởng ứng năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 29/3/2019, bên lề Cuộc họp AWGIPC 58 tại Bangkok, Thái Lan, Cục SHTT đã đại diện cho Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên AWGIPC nhiệm kỳ 2019-2021 từ Indonesia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tham gia hợp tác ASEAN về SHTT, Việt Nam đảm nhiệm trọng trách này.



Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí (bên phải) tiếp nhận biểu tượng Chủ tịch AWGIPC từ Cục trưởng Cục SHTT Indonesia Freddy Harris tại Lễ bàn giao vị trí Chủ tịch AWGIPC ở Bangkok, Thái Lan ngày 29/3/2019

 

Được sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN, Cục SHTT đã thực hiện tốt trọng trách Chủ tịch AWGIPC trong nhiệm kỳ của mình, chủ động, tích cực điều phối hoạt động của AWGIPC vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra nhằm triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN về SHTT theo đúng lộ trình và các mục tiêu đề ra. Cục đã chủ trì và đồng chủ trì thành công tất cả các sự kiện trực tiếp và trực tuyến của AWGIPC, gồm:

- Các cuộc họp của AWGIPC: AWGIPC 59 (Solo, Indonesia, tháng 7/2019); AWGIPC 60 (Baguio, Philippines, tháng 11/2019), Cuộc họp đặc biệt của AWGIPC (tháng 7/2020); AWGIPC 61 (tháng 9/2020); AWGIPC 62 (tháng 11/2020) và AWGIPC 63 (tháng 3/2021).

- Gần 40 cuộc họp trực tiếp và trực tuyến khác, bao gồm: i) Các cuộc họp cấp Lãnh đạo Cơ quan SHTT các nước ASEAN và Lãnh đạo một số Cơ quan SHTT đã có cơ chế họp cấp cao về SHTT như Cơ quan SHTT Trung Quốc (CNIPA), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan SHTT Hàn Quốc (KIPO), Cơ quan SHTT  châu Âu (EUIPO); ii) Phiên họp chia sẻ thông tin về các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong cung cấp dịch vụ về SHTT giữa các thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN; iii) Cuộc họp của Tiểu ban SHTT Hiệp định thương mại ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); iv) Các cuộc họp đối thoại giữa AWGIPC và các đối tác trong lĩnh vực SHTT như Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), EUIPO, USPTO, WIPO, Cơ quan SHTT Vương quốc Anh (UKIPO), Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA), Hiệp hội SHTT ASEAN (AIPA)…



Cục SHTT chủ trì Cuộc họp đặc biệt của AWGIPC (tháng 7/2020) - cuộc họp trực tuyến đầu tiên trong lịch sử 24 năm hoạt động của AWGIPC



Phó Cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng chủ trì Cuộc họp lần thứ 62 của AWGIPC và các sự kiện bên lề (tháng 11/2020)

 

Dưới sự chủ trì, điều phối của Việt Nam, AWGIPC đã rất linh hoạt, chủ động chuyển đổi phương thức tổ chức hội nghị, hoạt động hợp tác ASEAN từ trực tiếp sang trực tuyến. Kết quả, trong nhiệm kỳ 2019-2021, AWGIPC đã duy trì tiến độ triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025; hoàn thành về cơ bản các hoạt động ưu tiên trong các năm 2019 và 2020; hoàn thành công tác đánh giá giữa kỳ đối với Kế hoạch hành động ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025 nhằm đảm bảo Kế hoạch này phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay của khu vực ASEAN và quốc tế cũng như củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đối thoại trong lĩnh vực SHTT.

Bên cạnh việc thực hiện trọng trách Chủ tịch AWGIPC, Cục SHTT đã chủ động, tích cực phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và các cơ quan có liên quan của Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, có những đóng góp đáng kể, tạo dấu ấn trong quan hệ hợp tác ASEAN về SHTT. 

Ngày 25/3/2021 vừa qua, tại Lễ bế mạc Cuộc họp lần thứ 63 của AWGIPC, Việt Nam đã chính thức chuyển giao vai trò Chủ tịch luân phiên AWGIPC cho Philippines, kết thúc tốt đẹp nhiệm kỳ của mình. Phát biểu tại Lễ chuyển giao, thay mặt Cục SHTT Việt Nam, ông Đinh Hữu Phí chân thành cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình và hợp tác chặt chẽ của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN để Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Chủ tịch AWGIPC. Việt Nam tin tưởng rằng dưới sự điều hành của Philippines, mối quan hệ hợp tác nội khối và ngoại khối của ASEAN về SHTT sẽ được phát triển hơn, các mục tiêu, sáng kiến thuộc Kế hoạch hành động ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025 sẽ tiếp tục được triển khai một cách hiệu quả.



Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam phát biểu tại Lễ chuyển giao vị trí Chủ tịch Nhóm AWGIPC (ngày 25/3/2021)

 

Có thể nói, trong lịch sử hơn 25 năm của quan hệ hợp tác ASEAN về SHTT có sự đóng góp đáng kể của Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ. Những đóng góp này đã khẳng định vị thế và sự “hội nhập sâu” của Việt Nam trong hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT; thể hiện vai trò gắn kết và tôn trọng văn hóa của ASEAN trong việc triển khai các hoạt động hợp tác khu vực về SHTT./.

Theo https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20438/nhung-dong-gop-cua-cuc-so-huu-tri-tue-trong-quan-he-hop-tac-asean-ve-so-huu-tri-tue.aspx