Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: QH
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2023.
Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có nhiều chuyển biến tích cực
Trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2023, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong công tác tiếp công dân, thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp nhận thức rõ trách nhiệm của mình về việc tiếp công dân định kỳ theo luật định, nên đã bố trí trực tiếp tiếp công dân nhiều hơn so với trước; thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối với cơ quan hành chính, việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo về cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định của pháp luật; việc đôn đốc, thi hành quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật được quan tâm. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Kiểm toán nhà nước đã thực hiện tốt việc giải quyết, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc công dân khiếu kiện đến trụ sở các cơ quan trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt với nhiều biện pháp, thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc (một số vụ việc phức tạp, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp họp với các bộ, ngành địa phương để cho ý kiến chỉ đạo xử lý).
Về kết quả tiếp công dân, đối với các cơ quan hành chính, trong năm 2023, có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc, có 2.943 đoàn đông người. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 285 lượt người về 253 vụ việc. Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đối với các cơ quan hành chính tiếp nhận 453.097 đơn các loại; đã xử lý 428.955 đơn, có 348.181 đơn đủ điều kiện tiếp nhận và xử lý, trong đó có 52.637 đơn khiếu nại, 22.342 đơn tố cáo; có 29.040 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 386 đơn các loại, trong đó có 74 đơn khiếu nại, 313 đơn tố cáo; 141 đơn đủ điều kiện thụ lý. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp nhận 99 đơn, trong đó 05 đơn khiếu nại, 57 đơn tố cáo, 37 đơn kiến nghị, phản ánh; có 04 đơn đủ điều kiện thụ lý. Kiểm toán nhà nước đã tiếp nhận 112 đơn, trong đó có 12 đơn thuộc thẩm quyền (tố cáo 10 đơn, kiến nghị phản ánh 02 đơn).
Theo báo cáo, số ngày tiếp công dân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đạt 92% so với 37,6% của giai đoạn 2016 - 2021; chủ tịch UBND tỉnh đạt 113% so với 61,5% của giai đoạn 2016 - 2021… Trong đó nhiều địa phương có tỷ lệ tiếp trên 100% số ngày quy định.
Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 17.463 vụ việc khiếu nại, nhiều hơn 23,4% so với năm trước. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo của Chính phủ cho thấy, đã bảo vệ quyền lợi cho 1.319 cá nhân; 44 tập thể, tổ chức.
Đáng chú ý, qua giải quyết tố cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã kiến nghị xử lý 475 người, trong đó có 432 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 37 vụ, 32 đối tượng, trong đó có 16 cán bộ, công chức.
Thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo
Phân tích những tồn tại, hạn chế, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật; chất lượng xử lý đơn ở một số địa phương chưa cao, còn tình trạng sai sót, nhầm lẫn, chưa xem xét xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.
Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính thấp hơn so với năm 2022 và chưa đạt mục tiêu phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để. Việc kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương chưa chủ động, còn chậm so với yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xem xét giải quyết một số vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội chuyển đến còn chậm, chưa kịp thời báo cáo kết quả thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, các cấp, các ngành cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước; đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý; trước mắt phối hợp các bộ ngành, địa phương tập trung xử lý những vụ việc liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh./.
Khôi Nguyên
Nguồn: dangcongsan.vn