Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Theo Luật, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này.

Chế độ cảnh vệ là những chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho đối tượng cảnh vệ quy định tại Luật này.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, ông Lê Tấn Tới – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, vì đã có đối tượng cảnh vệ là Ủy viên Bộ Chính trị.

Có ý kiến cho rằng, theo Quy chế làm việc của Ban Bí thư thì Thường trực Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư và Thường trực Ban Bí thư. Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với Thường trực Ban Bí thư.

Hình ảnh: Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ số 1
 

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Ảnh: QH 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, khoản 1 Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 Điều 1 dự thảo luật này) quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê các đối tượng cảnh vệ cụ thể là thống nhất với nội dung Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị.

Luật Cảnh vệ hiện hành đã quy định một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát và quy định “Người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư”.

Liên quan đến áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định của pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, Luật bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an.

Do việc quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải được quy định trong luật là giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, không giao ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung này./.

Vy Anh

Nguồn: dangcongsan.vn