4 yêu cầu của hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước
Nghị định số 53/2024/NĐ-CP nêu rõ các yêu cầu của hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước. Cụ thể, hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước phải đáp ứng 4 yêu cầu sau:
Thứ nhất, các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo đề án, dự án và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu và phê duyệt kết quả thực hiện theo quy định.
Thứ hai, căn cứ mục tiêu phạm vi, quy mô của đề án, dự án và đặc điểm cụ thể của từng vùng điều tra, cơ quan phê duyệt đề án, dự án quyết định các nội dung công việc, khối lượng, sản phẩm cụ thể của từng đề án, dự án trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí đề án, dự án. Nội dung, định mức, đơn giá điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thứ ba, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đáp ứng được các mục tiêu của đề án, dự án.
Thứ tư, thông tin dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước phải được rà soát, cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.
Điều tra, đánh giá tài nguyên nước
Nghị định số 53/2024/NĐ-CP cũng quy định, hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước bao gồm các hoạt động sau đây:
Thứ nhất, điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt được thực hiện trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá tự nhiên và nhân tạo gồm một hoặc một số hoạt động sau đây: Điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; điều tra, đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt; Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt; Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt; Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; điều tra, phân vùng chức năng nguồn nước mặt.
Thứ hai, điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất gồm một hoặc một số hoạt động sau đây: Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất theo các tỷ lệ 1:200.000; 1:100.000; 1:50.000; 1:25.000; Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất; Điều tra, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Điều tra, xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Thứ ba, điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Thứ tư, điều tra, xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
Thứ năm, điều tra, đánh giá phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước.
Thứ sáu, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau: Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 nêu trên trên phạm vi liên tỉnh; Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 5.
Thứ bảy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các hoạt động sau đây: Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 nêu trên trên địa bàn tỉnh; Điều tra, đánh giá đối với các hoạt động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 nêu trên.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ các hoạt động điều tra cơ bản khác như: Hoạt động xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước mặt, nước dưới đất; hoạt động đo đạc mặt cắt sông, suối; hoạt động đo đạc mặt cắt sông, suối; hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ lập, điều chỉnh hành lang bảo vệ nguồn nước...