Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị.

Chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3, sáng 28/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. 

Tư lệnh ngành Nông nghiệp chỉ rõ, sau khi cơ bão đi qua, thực tiễn công tác phòng, chống khắc phục hậu quả cơn bão đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cần đặc biệt lưu ý. Trong đó, phải kể đến sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở. 

Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành và công tác thông tin, truyền thông. Đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành cũng là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai…

Rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi bền vững hơn, an toàn trước thiên tai

Nhằm sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, cần tiếp tục tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để tái định cư cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Cần tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng địa phương, vùng miền, trong đó sẵn sàng nguồn giống để hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất. Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng...

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng cho biết, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến mục tiêu "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu". Rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành đảm bảo an toàn trước thiên tai; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của từng địa phương; Rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, đề xuất các nhiệm vụ và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai, sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai lớn...

Riêng với ngành Nông nghiệp, rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới; Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ.

Theo Bộ trưởng, các địa phương cần cần tích cực giải quyết các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới tại địa phương.

Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quan thuế, cơ quan ngân hàng, tổ chức tín dụng trên thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm 100% thuế các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục cho vay với quy trình thủ tục rút gọn để sớm phục hồi sản xuất…

Theo https://tapchitaichinh.vn/san-sang-nguon-giong-de-ho-tro-nguoi-dan-nhanh-chong-khoi-phuc-san-xuat-sau-bao.html