Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống

Tại dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi), Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế TNDN hiện hành được Quốc hội khóa XII tại Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009 (thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần. Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt KT-XH của Đất nước và đạt được các kết quả quan trọng.

Theo đó, Luật thuế TNDN đã thực hiện xóa bỏ triệt để sự đối xử phân biệt về chính sách thuế TNDN giữa các thành phần kinh tế, loại hình DN; thực hiện giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông; điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Nhờ đó, đã động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết, quá trình cải cách chính sách thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo các định hướng ưu tiên đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Luật thuế TNDN đã tiếp tục thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 25% xuống 22% từ ngày 1/1/2014, riêng các DN quy mô nhỏ được áp dụng mức 20% ngay từ ngày 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng cho mọi loại hình DN là 20%.

Việc quy định các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo nguyên tắc loại trừ, cho phép DN trừ các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có kèm theo các hoá đơn, chứng từ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch của chính sách, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, việc bỏ quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị đã đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Luật thuế TNDN hiện hành cũng thực hiện chuyển đối tượng hưởng ưu đãi thuế theo diện đầu tư mới từ pháp nhân (DN mới thành lập tư dự án đầu tư) sang ưu đãi thuế theo dự án đầu tư mới của DN. Ngoài ra, đã bổ sung các ưu đãi cao hơn, ưu đãi đặc biệt hơn đối với các dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ cao; một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển KT-XH của Đất nước.

Cần thiết phải ban hành Luật thuế TNDN sửa đổi

Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế TNDN cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, tính ổn định của chính sách thuế TNDN còn chưa cao. Trong giai đoạn vừa qua, một số nội dung chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi kịp thời để xử lý các tồn tại, bất cập, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.

Tuy nhiên, việc sửa đổi này trên một số mặt đã ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách, gây khó khăn cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Một số nội dung chính sách khi ban hành chưa lường hết được các tác động, ảnh hưởng trên thực tiễn cũng như điều kiện tổ chức thực hiện, sự đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nên trong quá trình thực hiện còn vướng mắc.

Ngoài ra, một số quy định của Luật thuế TNDN hiện hành qua một thời gian thực hiện cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay như các vấn đề liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ; chưa có chính sách ưu đãi thuế (thuế suất, phương pháp tính thuế) nhằm hỗ trợ, khuyến khích DN nhỏ và siêu nhỏ theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước khuyến khích gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn hạn chế. Lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế trong thời gian qua có xu hướng ngày càng dàn trải trong khi một số lĩnh vực cần ưu tiên khuyến khích lại chưa có chính sách ưu đãi (như ưu đãi thuế cho DN có quy mô nhỏ, đơn vị sự nghiệp công lập, DN khoa học và công nghệ,...). Chính sách ưu đãi thuế TNDN còn được quy định tại các văn bản chuyên ngành, ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống chính sách thuế.

Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh đang đặt ra trong quá trình tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, xử lý các vấn đề thuế quốc tế như việc tham gia Diễn đàn Chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS) hay Sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu gần đây. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Diễn đàn BEPS và đã cam kết thực hiện tối thiểu 4 hành động trong khuôn khổ Diễn đàn này. Theo đó, một số nội dung của chính sách thuế, trong đó có chính sách thuế TNDN cũng cần phải được rà soát để có những sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế, đặc biệt là xử lý hiệu quả các hành vi trốn thuế, tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Do đó, Bộ Tài chính khẳng định, cần thiết phải ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) nhằm: Hoàn thiện các quy định về chính sách thuế TNDN để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng; đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật có liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên.

Theo https://tapchitaichinh.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-gop-phan-cai-cach-he-thong-chinh-sach-thue.html