Hình ảnh: Tăng cường bảo vệ môi trường các dự án thuỷ điện vì sự phát triển bền vững số 1

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của trên 50 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà thực tiễn về môi trường và thủy điện,... đến từ các cơ quan nghiên cứu, các hội, hiệp hội Trung ương và các tỉnh miền núi phía Bắc có các nhà máy thủy điện. TS. Hồ Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam; TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước; TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam tham dự và đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, TS. Hồ Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm thông tin Tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC) đã đề xuất phối hợp với VUSTA và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo. Ông cho rằng, Hội thảo phản ảnh một vấn đề thực tế đang diễn ra rất bức thiết hiện nay. Cả thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện trên cả nước nói chung và ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng đều chưa được đánh giá thỏa đáng. Những vấn đề tiêu cực tác động đến môi trường do các nhà máy thủy điện đang diễn ra hết sức phức tạp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của hệ thống sông ngòi mà còn gây nhiều hệ lụy đến đời sống, sản xuất, sức khỏe và kể cả tính mạng người dân tại các vùng hạ du. Ông mong muốn, tại Hội thảo các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà thực tiễn sẽ thể hiện rõ tinh thần công tâm, dân chủ, đánh giá khách quan, khoa học về thực trạng và tìm kiếm, đề xuất các giải pháp giúp Chính phủ cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh tăng cường chính sách và các biện pháp tối ưu bảo vệ môi trường tại các dự án thủy điện vì một sự phát triển bền vững.

 

Hình ảnh: Tăng cường bảo vệ môi trường các dự án thuỷ điện vì sự phát triển bền vững số 2

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận nhiều nội dung được trình bày trong các tham luận, tiêu biểu như: Đề tài “Thực trạng về phát triển thủy điện ở Việt Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc - Chính sách về phát triển thủy điện và bảo vệ môi trường” của KS. Nguyễn Tuấn Cường, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; các đề tài: “Thực trạng môi trường và các hệ lụy của ô nhiễm môi trường do các dự án thủy điện miền núi phía Bắc gây ra, giải pháp kiến nghị về chính sách” của đại diện Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; “Phát triển thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng, những vấn đề đặt ra với miền núi phía Bắc và vùng hạ lưu” củả TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước; “Tác động môi trường và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường các dự án Thuỷ điện” của GS.TS. Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam; “Sức khỏe của hệ thống sông ngòi và phát triển thủy điện ở Việt Nam và ở các tỉnh miền núi phía Bắc: thách thức và kiến nghị” của TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam; “Thực trạng và một số giải pháp, kiến nghị về bảo vệ môi trường các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La” của ThS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La; “Công tác trồng rừng thay thế thuộc các dự án thủy điện trên địa bàn các tỉnh Miền núi Phía Bắc: Thực trạng và khuyến nghị” của PGS.TS. Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam;...

 

Hình ảnh: Tăng cường bảo vệ môi trường các dự án thuỷ điện vì sự phát triển bền vững số 3

Đại biểu tham luận

Thông qua các đề tài và ý kiến đóng góp thảo luận, cho thấy bức tranh tổng quan về tiềm năng và quá trình phát triển thủy điện trên cả nước nói chung và ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng hiện nay là rất phong phú.

Hiện nay trên địa bàn toàn quốc có 976 dự án thủy điện với tổng N lm = 28.000 MW nằm trong quy hoạch, đạt đến 96,5% về công suất so với tiềm năng kinh tế. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc, có 491 dự án thủy điện với tổng N lm = 13.720 MW chiếm 49% tổng công suất của cả nước. Trong đó, các dự án thủy điện lớn như Thác Bà (120 MW), Hòa Bình (1.920 MW), Sơn La (2.400 MW), Lai Châu (1.200 MW), Huội Quảng (520 MW), Bản Chát (220 MW), Tuyên Quang (342 MW), Nậm Chiến (200 MW) và 194 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành và đi vào vận hành với tổng công suất là 9.585 MW chiếm 70% tổng công suất đã quy hoạch, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh nghèo, có tỷ trọng công nghiệp thấp.

Tiềm năng thủy điện của nước ta về cơ bản đã được quy hoạch (đạt đến 96,5% tổng công suất tiềm năng kinh tế); các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt 81% công suất quy hoạch.

Cùng với sự tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật, công nghệ là kinh nghiệm, trình độ, năng lực của các nhà quản lý; các nhà đầu tư và ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Theo đó, các tham luận cũng làm sáng tỏ hơn thực trạng bức tranh về môi trường tại các dự án thủy điện. Bên cạnh những yếu tố tích cưc đã bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập gây nên nhiều hệ lụy không nhỏ tác động tiêu cực đến môi trường, môi sinh ở các vùng dự án. Ví như, việc xây dựng hồ chứa có những bất lợi cho cả phía thượng lưu và hạ lưu hồ. Vấn đề nan giải nhất, lâu dài nhất là giải quyết hậu quả ngập lụt lòng hồ: Di dời dân cư, cơ sở văn hoá, xã hội, đất đai, cây rừng, đặc sản, khoáng sản đã biết và chưa biết, cản trở thú rừng di chuyển và sinh sống,... Đây là vấn đề rất lớn của các vùng có hồ chứa. Cùng với chế độ dòng chảy thay đổi, sẽ gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, ven biển và hạ thấp đáy sông, làm giảm đáng kể lượng phù sa cho vùng hạ du,...

Hình ảnh: Tăng cường bảo vệ môi trường các dự án thuỷ điện vì sự phát triển bền vững số 4
Đại biểu tham luận

Bên cạnh đó, những nguy cơ khác như: Ô nhiễm nguồn nước từ những hoạt động xây dựng nói chung và xây dựng các hồ thủy điện, xả nước thải đô thị và công nghiệp, khai khoáng, giao thông thủy, khai thác rừng và ô nhiễm nguồn nước từ thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra thảm hoạ về môi trường.
Từ thực trạng đó đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm ngay từ khi xây dựng đến triển khai dự án. Đòi hỏi các nhà hoặc định chính sách, các nhà đầu tư phải hết sức quan tâm cho một môi trường phát triển thủy điện bền vững.
Theo đó, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp căn cơ, đồng bộ cả về chính sách, truyền thông, nâng cao năng lực và trách nhiệm xã hội của các nhà quản lý và chủ đầu tư dự án. Trong đó nhấn mạnh, cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước minh bạch, công khai, dân chủ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; chú trọng công tác truyền thông, nâng cao năng lực ứng xử với lũ lụt, bảo vệ cảnh quan môi trường, ý thức cộng đồng thông qua các gói hỗ trợ thường xuyên trong sản xuất nông nghiệp và đào tạo con em địa phương vùng dự án; tăng cường khai thác thủy điện đa mục tiêu: Phát điện, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, du lịch,... tránh ô nhiễm môi trường.

Hiện trên cả nước có 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi; các hồ chứa đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng rõ nét đến an toàn đập hồ chứa ở nước ta. Mưa, lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường với cường độ lớn thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn hồ chứa. Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng nặng, thiếu năng lực chống lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó, có 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đe doạ đến tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du, cần đặc biệt quan tâm và xử lý cấp bách.

Kết luận Hội thảo, TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà thực tiễn đã có nhiều ý kiến, công tâm, khách quan, làm rõ bức tranh về môi trường tại các dự án thủy điện hiện nay; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp có tính đồng bộ sát với thực tiễn đang đặt ra. Thay mặt Chủ tọa Hội thảo, ông Hoàng Văn Thắng giao cho Ban Tổ chức Hội thảo tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng hợp, chọn lọc những giải pháp căn cơ báo cáo tới cơ quan chức năng và tổ chức truyền thông trong nhân dân, nhằm tăng cường bảo vệ môi trường các dự án thuỷ điện vì sự phát triển bền vững.

Hình ảnh: Tăng cường bảo vệ môi trường các dự án thuỷ điện vì sự phát triển bền vững số 5

TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước kết luận Hội thảo


Phương Vinh

.