Mặc dù Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2024 từ 6-6,5%, nhưng nhiều tổ chức kinh tế dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 chỉ đạt trong khoảng 5,5 đến 6%, thấp hơn mục tiêu được Quốc hội đưa ra.

Mới đây nhất, Ngân hàng UOB dự báo, tăng trưởng GDP quý II/2024 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%, cao hơn mức tăng trưởng GDP 5,66% trong quý I/2024. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 của Việt Nam, ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho rằng, sẽ đạt mức 6%.

Dự báo tăng trưởng của UOB dựa trên cơ sở các hoạt động kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, dòng vốn FDI tích cực và Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tăng 4/5 tháng đầu năm, trong đó tháng 5/2024 ở mức 50,3 điểm.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tăng 8,9% so với cùng kỳ trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp trong năm 2024. Đồng thời, xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tháng thứ ba tăng trưởng hai con số. Tính từ đầu năm đến tháng 5/2024, xuất khẩu tăng 16% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 18,6% so với mức âm trong cùng kỳ năm 2023.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ trong tháng 5, được hỗ trợ bởi lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và lưu trú, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023 và du lịch tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố vào tháng 5/2024 cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 trong khoảng 5,5-6%. Báo cáo của VEPR chỉ rõ những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam liên quan đến xuất khẩu, thu hút FDI, tuy nhiên cũng đưa ra những yếu tố khiến sự phục hồi chưa thực sự bền vững.

Cụ thể, quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, tuy nhiên so với quý IV/2023, thì lại trên đà giảm. Cùng với đó, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cap gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đang có xu hướng nhỏ lại, điều này cũng tạo ra những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam.

Báo cáo cập nhật Kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 4/2024 cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 chỉ đạt 5,5% và năm 2025 là 6,0%.

WB nhận định, Chính phủ dự kiến tiếp tục duy trì chính sách tài khóa theo hướng tương đối mở rộng trong năm 2024, nhưng sẽ quay lại thắt chặt chính sách tài khóa trong các năm sau đó. Nhìn ra quốc tế, WB cho rằng, rủi ro và cơ hội đối với triển vọng dự báo trên nhìn chung đang ở thế cân bằng, tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam. Trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản không được như dự báo có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến đầu tư của khu vực tư nhân.

Báo cáo của WB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Đồng thời, khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa, với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1 điểm phần trăm cho mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP. Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, dư địa cho việc cắt giảm lãi suất thêm nữa bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Sebastian Eckardt - Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư cho biết: Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức. Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR khuyến nghị, cần thực hiện 5 nhóm giải pháp, bao gồm: Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; Tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2024; Thúc đẩy đa dạng hoá các kênh vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng; Nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Báo Công Thương
Theo https://tapchitaichinh.vn/tang-truong-gdp-cua-viet-nam-trong-nam-2024-duoc-du-doan-bao-nhieu.html