Ngày 13/6/2024 tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trao đổi về chính sách xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì Toạ đàm.

Tham dự Toạ đàm có hơn 20 đại biểu là đại diện của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Học viện Tài chính, các chuyên gia tài chính và một số cơ quan thông tấn báo chí thuộc Bộ Tài chính.

 

06 nhóm chính sách được đề xuất tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm: Chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về quản trị doanh nghiệp.

Tại Toạ đàm, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh đã giới thiệu về sự cần thiết ban hành Luật, các nội dung cơ bản và cơ sở pháp lý, chính trị, thực tiễn liên quan đến tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và 06 nhóm chính sách.

Về một số điểm thay đổi căn bản trong dự thảo Luật, ông Bùi Tuấn Minh cho biết, ngay từ khâu đặt vấn đề, ban soạn thảo lựa chọn công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải xây dựng theo hướng quản lý dòng vốn đầu tư, nhà nước quản lý với vai trò là chủ đầu tư vốn, chứ không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp. Cùng với đó, dự án Luật đưa ra hệ thống quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức phân công rõ, phân cấp mạnh. Qua đó, Nhà nước sẽ đầu tư vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, chứ không phải nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn sẽ là chủ thể được Nhà nước giao cho đầu tư tại doanh nghiệp.

Trao đổi tại Toạ đàm, TS. Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế khẳng định đây là cuộc cách mạng, thay đổi tư duy và đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; việc đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư là chính đáng và cần tính đến yếu tố khách quan và xem xét đánh giá rủi ro bất khả kháng.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý việc quản lý dòng vốn nhà nước đầu tư thay cho quản lý doanh nghiệp hiện nay phải thể hiện được đầy đủ nội dung giám sát dòng vốn này và rõ trách nhiệm, đối tượng thực hiện giám sát.

Phát biểu tại Toạ đàm, TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI đánh giá, việc xác định tên luật, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là chính xác và đã hướng tới tương lai để đầu tư vốn, nội dung các chính sách đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp như các nhà đầu tư khác; đồng thời lưu ý xem xét nguyên tắc quản trị, công khai minh bạch nên theo chuẩn đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, đảm bảo đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn của các nội dung đề xuất tại dự án Luật. Các đại biểu cho rằng, đây là căn cứ quan trọng để triển khai xây dựng dự thảo Luật cụ thể nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, định hướng cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đặc biệt là việc xác định nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư vốn, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn.

Quy định rõ Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bình đẳng với các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế trước pháp luật.

 

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)./.

Theo https://tapchitaichinh.vn/tao-so-phap-ly-de-doanh-nghiep-co-von-nha-nuoc-phat-trien-binh-dang-truoc-phap-luat.html