Quản lý nghiêm giao dịch vàng
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành ban hành nhiều các văn bản chỉ đạo, yêu cầu cơ quan có liên quan tập trung tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế và để cung cấp cho khách hàng. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát thị trường vàng.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy, đến nay, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử. Đối với việc kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ, cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Sau hơn một năm triển khai, trên toàn quốc đã có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và đều được người dân và doanh nghiệp củng hộ việc xuất hóa đơn điện tử khi giao dịch vàng.
Trao đổi với phóng viên, tại một cửa hàng kinh doanh vàng, bà Đinh Xuân Ngân (TP. Phố Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hoá đơn điện tử giúp bảo vệ người tiêu dùng khi mua vàng. Có hoá đơn, chứng từ đảm bảo chất lượng nguồn gốc rõ ràng, đúng và đủ số lượng vàng, tránh bị gian lận tuổi vàng. “Khi mua vàng được nhận hóa đơn điện tử khiến tôi cảm thấy yên tâm về chất lượng và và giá cả hơn”, bà Ngân chia sẻ.
Ông Ngô Duy Hiếu - Chủ tiệm vàng Trung Sinh (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, người mua vàng cần lấy hóa đơn điện tử để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình, đồng thời, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm là đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Từ đó, cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm soát và quản lý được doanh thu chính xác của các cơ sở kinh doanh mua, bán vàng, để áp thuế cho phù hợp. Điều này sẽ đảm bảo được tính công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Theo ông Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), việc quản lý thị trường vàng thông qua quy định áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng đang dần phát huy hiệu quả. Song vẫn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc cung cấp thông tin để lấy hóa đơn điện tử khi mua vàng, đồng thời, có chế tài xử phạt nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh vàng không thực hiện xuất hoá đơn điện tử.
Để thị trường vàng bình ổn hơn
Từ cuối năm 2023 đến nay, Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành phối hợp quản lý thị trường vàng hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ vàng hóa nền kinh tế và tránh tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô quan trọng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thị trường vàng miếng đã bình ổn trong một thời gian dài nhờ một số giải pháp quyết liệt từ Chính phủ và các bộ, ngành.
“Hàng loạt quy định liên quan đến chống buôn lậu, đầu cơ vàng như Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức giao dịch có giá trị trên 400 triệu đồng phải báo cáo; cơ quan Thuế, Hải quan, Bộ Công An cũng đã vào cuộc. Nhờ đó, thị vàng đã đi vào ổn định và hoạt động giao dịch đã trở lại bình thường và minh bạch”, ông Hùng cho biết.
Những ngày qua, câu chuyện về vàng lại nóng trở lại theo đà tăng của giá vàng thế giới. Không nằm ngoài thị trường chung của thế giới, giá vàng trong nước cũng có sự điều chỉnh nhẹ, giữ mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quanh ngưỡng 3,5 – 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là ngưỡng chênh lệch phù hợp, giảm mạnh so với mức chênh gần 20 triệu đồng thời gian trước.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc Think Future Consultancy, chênh lệch giá vàng SJC trong nước so với giá vàng thế giới hay các loại vàng khác ở trong nước đều có lý do riêng. Vàng SJC có thương hiệu, uy tín và thanh khoản cao nhất thị trường nên thường có mức giá cao hơn các loại vàng thông thường.
Song, cũng không ít ý kiến cho rằng, về lâu dài, cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ hơn trong quản lý vàng, “nắn” dòng tiền đầu tư vàng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra GDP. Ngoài ra, NHNN có thể cho phép các ngân hàng thương mại kinh doanh vàng miếng SJC để tăng tính cạnh tranh, ngăn ngừa lũng đoạn trên thị trường. Nhà nước cũng nên đánh thuế đối với mỗi giao dịch mua, bán vàng, quy định việc mua, bán vàng phải thực hiện theo phương thức không dùng tiền mặt.