80% sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng mềm
Tại chương trình đối thoại "Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức sáng 27/9 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận - nguyên Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết: Lao động trẻ được trang bị và thành thạo các kỹ năng mềm sẽ hoàn thành công việc đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm cao, thu nhập cao, được trân trọng, có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, dễ tìm kiếm việc làm mới và rủi ro thất nghiệp thấp.
Thực tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 - 1,6 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 70% nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp.
Theo báo cáo yêu cầu kỹ năng mềm của lao động trong thời kỳ hội nhập của PGS.TS Hà Nam Khánh Giao - Trường Đại học Tài chính - Marketing: Chương trình đào tạo kỹ năng nặng về lý thuyết. 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm. 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng yếu. 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc. 41% cần thời gian làm quen với công việc. 50% lao động tốt nghiệp phổ thông không có kỹ năng họ cần; lao động tốt nghiệp đại học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN).
PGS.TS Nguyễn Thị Thuận - nguyên Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội chia sẻ tại sự kiện.
Nếu người lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng chuyển đổi thì tăng trưởng và doanh thu của DN giảm, năng suất lao động thấp, khả năng luân chuyển lao động thấp, hiệu quả của DN giảm sút. Kỹ năng của lao động chiếm 90% thành công của DN.
Do đó, DN cần phải đào tạo cho người lao động kỹ năng nghề cụ thể, kỹ năng sống, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, các kỹ năng khác khi chuyển đổi vị trí làm việc. Tùy từng kỹ năng mà DN cần đào tạo ngay từ khi mới tuyển lao động hay đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung định kỳ.
Gây khó cho doanh nghiệp
Ở góc độ DN, bà Vũ Thị Quyên - Sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty We Edit cho biết: Khi làm việc với các lao động thiếu kỹ năng mềm, lãnh đạo DN "cảm thấy rất cô đơn. Các bạn trẻ quá thiếu kỹ năng mềm để đồng hành cùng DN".
"DN thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn lao động trẻ làm việc, giao tiếp. Đơn giản là trình bày file word hay excel, DN cũng phải "cầm tay chỉ việc" cho các lao động trẻ mới đem lại kết quả", bà Vũ Thị Quyên nói.
Các diễn giả tại chương trình đối thoại.
Trong khi đó, các bạn trẻ thiếu chủ động trong việc đề xuất mong muốn, nguyện vọng với DN. Hoặc các bạn không hiểu bản thân thiếu sót ở đâu, cần DN hỗ trợ mở khóa đào tạo ra sao? Sau các khóa học về kỹ năng mềm, các bạn lại rất e ngại trong việc áp dụng kiến thức vào trong thực tế. Còn tồn tại tâm lý e dè giữa lao động và lãnh đạo DN.
Cần có chính sách nâng cao kỹ năng
Với thực trạng hiện nay, tại sự kiện, các diễn giả đều cho rằng, để nâng cao, phát triển kỹ năng việc làm, đòi hỏi phải có sự tham gia của các ban ngành, chính quyền địa phương, trong đó DN có vai trò rất quan trọng đối với các lao động trẻ.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra các chính sách thúc đẩy nâng cao kỹ năng cho người lao động. Đầu tư kinh phí xây dựng ngân hàng bài giảng, đào tạo đội ngũ giảng viên, cũng như thiết lập hệ thống kiểm tra, đánh giá, cấp văn bằng, chứng chỉ. Các cơ sở giáo dục các cấp và DN phải cùng tham gia đào tạo.
Từ góc nhìn của lao động trẻ, Nguyễn Thị Thanh Huyền - đại diện lao động trẻ của Công ty Hà Phong đề xuất sự hỗ trợ từ phía DN để các lao động trẻ được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm vì điều này cần thiết trong cuộc sống và công việc.
Ngoài ra, DN có thể hỗ trợ các lao động trẻ tham gia các khóa đào tạo kỹ năng kết hợp với những lao động có nhiều kinh nghiệm hoặc những người quản lý, trưởng bộ phận của các lao động trẻ. Thông qua đó, những người quản lý, cán bộ DN sẽ hiểu được tâm lý của lao động trẻ và dễ dàng có thể giải quyết được những mâu thuẫn, khó khăn trong quá trình làm việc.
Với học sinh, sinh viên, nhà trường nên phối hợp với các DN, đơn vị đào tạo tổ chức các khóa đào tạo hoặc hội thi về thuyết trình, thảo luận nhóm. Từ đó giúp các bạn học sinh, sinh viên tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động.
Nhà trường và DN có thể kết hợp tổ chức các ngày hội tuyển dụng, qua đó giúp các bạn học sinh, sinh viên nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng, làm quen được với các buổi phỏng vấn, tự tin hơn, thấy được mình còn thiếu sót và cần bổ sung những kỹ năng nào để đáp ứng yêu cầu công việc.
Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo kỹ năng nghề cho lao động các tập đoàn toàn cầu, chuyên gia Lê Đình Hiếu cho rằng, điều các DN thực sự cần ở người trẻ Việt Nam vào năm 2050 là tri thức về kỹ thuật số. Theo đó, các bạn trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và hiệu quả; tiếp cận và phân tích thông tin chính xác. Từ đó xây dựng được kiến thức chính thức cho bản thân và chia sẻ kiến thức mình thu được cho nhiều người khác.
Nguyệt Minh
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/thieu-ki-nang-mem-nhieu-lao-dong-tre-gay-phien-toai-cho-doanh-nghiep/20220927034137918