Chiều ngày 14/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã phối hợp với báo Tuổi trẻ, Napas, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cùng lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành trung ương, UBND TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của đông đảo đại diện của các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế…

Giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi NSNN

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, trong thời đại kinh tế số, việc thanh toán không tiền mặt là xu thế tất yếu để hội nhập kinh tế quốc cũng như giảm các chi phí cần thiết trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các đơn vị thuộc Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

"Trước đây, KBNN có kho để chứa tiền, cơ quan kho bạc nào cũng có xe chở tiền, nhưng đến bây giờ thanh toán không tiền mặt, không còn dùng đến kho, xe thì đấu giá hết”, Bộ trưởng chia sẻ.

Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và KBNN đã thực hiện 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Về chi ngân sách, KBNN đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi như điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách. Nhờ đó, đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho KBNN tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

“Năm 2023, KBNN đã sử dụng 100% chữ ký số giữa cơ quan này với các đơn vị sử dụng ngân sách và các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ thu, chi NSNN bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu, chi ngân sách qua KBNN”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng thực hiện thu - chi NSNN

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trước các hạn chế trong thanh toán không dùng tiền mặt và thủ đoạn ngày càng tinh vi trên không gian mạng, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi NSNN. Đồng thời, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; Đẩy mạnh thu, chi NSNN bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…

“Ngành Tài chính đã chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ trong quá trình sử dụng”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ Tài chính cũng đã đề nghị các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng thực hiện thu - chi NSNN; Phát triển công cụ thanh toán hiện đại, tăng cường tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là các tiện ích trên thiết bị di động nhằm khuyến khích người sử dụng tự nguyện chuyển sang thanh toán không tiền mặt...

 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay, cơ quan thuế đã kết nối nộp thuế điện tử với 57 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và triển khai đa dạng các hình thức nộp thuế điện tử. Thống kê của ngành Thuế, khoảng trên 99% số doanh nghiệp đang hoạt động đã tiến hành các giao dịch nộp thuế điện tử. Trong giai đoạn 2021-2023, số lượng giao dịch nộp thuế điện tử tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Trong đó, tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế qua dịch vụ thuế điện tử eTax như năm 2023, số tiền nộp là 866.468 tỷ đồng và hơn 4,8 triệu USD. Cá nhân nộp qua dịch vụ thuế điện tử eTax mobile, trong đó có khoảng 920.110 giao dịch, tương ứng với gần 2.646 tỷ đồng. Có thể nói, đến nay, cơ bản đã hình thành thói quen của người nộp thuế trong việc áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành Tài chính là một trong những ngành luôn tiên phong, hưởng ứng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo https://tapchitaichinh.vn/thuc-day-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-linh-vuc-tai-chinh.html