Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Vũ Thị Chân Phương – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; đại diện lãnh đạo HOSE, một số công ty thành viên thị trường và các cơ quan thông tấn báo chí.
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Quyền Chủ tịch HOSE cho biết, năm 2021, sự tăng trưởng đột biến về thanh khoản của TTCK Việt Nam đặt ra yêu cầu cần phát triển một giải pháp xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch tại HOSE. Được sự quan tâm kịp thời và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE và Công ty CP FPT, Tập đoàn Sovico đã phối hợp triển khai giải pháp xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch tại HOSE và đưa giải pháp vào vận hành từ ngày 05/7/2021, đáp ứng nhu cầu thanh khoản của thị trường.
Hình ảnh: Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển số 1
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi biểu dương và đánh giá cao những đóng góp hết sức trách nhiệm của các thành viên thị trường đối với sự phát triển chung của TTCK Việt Nam.
Qua một năm triển khai, giải pháp chống nghẽn lệnh đã và vẫn đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch của thị trường. Hướng đến mục tiêu thị trường hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả, cùng với sự cần thiết tiếp tục duy trì giải pháp đến khi có hệ thống mới, các thành viên hàng đầu của thị trường bao gồm Tập đoàn Sovico, CTCP Quản lý quỹ Dragon Capital, CTCP Chứng khoán HSC, CTCP Chứng khoán SSI, CTCP Chứng khoán VNDirect tiếp tục phối hợp với HOSE và FPT để duy trì vận hành giải pháp.
 
Tại buổi gặp, đại diện lãnh đạo các thành viên như Sovico, Dragon Capital, HSC, SSI, VNDIRECT đã có những phát biểu chia sẻ. Theo đó, các thành viên thị trường đều bày tỏ sự vinh hạnh và mong muốn được đồng hành, chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tổ chức, vận hành để thúc đẩy TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch, bền vững hơn nữa trong tương lai.
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã biểu dương và đánh giá cao những đóng góp hết sức trách nhiệm của các thành viên thị trường đối với sự phát triển chung của TTCK Việt Nam. Sự đóng góp này không chỉ ở mỗi việc cụ thể là cung cấp giải pháp giải pháp xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch tại HOSE, mà còn nhiều đóng góp trong suốt một thời gian dài cho sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam. Theo Thứ trưởng, điều quan trọng nhất đối với TTCK là các thành viên thị trường có tính chuyên nghiệp cao, đồng thời, có sự cam kết lâu dài, đồng hành cùng với thị trường.
Hình ảnh: Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển số 2
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi tặng hoa cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các thành viên thị trường.
“Những thành quả mà TTCK Việt Nam đạt được trong thời gian qua, cũng như sự đoàn kết, chia sẻ, đồng hành của các thành viên thị trường với Bộ Tài chính, cơ quan quản lý, các Sở Giao dịch Chứng khoán… là một phần minh chứng quan trọng cho chủ trương, đường lối phát triển TTCK hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ”. – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nhắc lại lời chia sẻ của các thành viên thị trường khi cho rằng, nhiều thành viên thị trường có được thành công như ngày hôm nay chính là nhờ sự phát triển của TTCK Việt Nam nói riêng và các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển TTCK nói chung.

Cũng tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng phát triển của TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nỗ trong đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2022 tới nay, cùng chung với xu thế chung toàn cầu, TTCK Việt Nam đã có sự điều chỉnh theo xu hướng giảm.

Chia sẻ với ý kiến của nhiều thành viên về niềm tin đối với sự phát triển của thị trường trong tương lai, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, cần có sự nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc về thị trường hiện nay. Đặc biệt, cần nhìn nhận rõ các yếu tố mang tính cốt lõi, nền tảng có thể giúp TTCK tăng trưởng và phát triển bền vững. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục giữ ổn định với GDP 6 tháng đạt 6,42%, lạm phát kiểm soát tốt, đặc biệt thu ngân sách đạt kết quả tích cực, dù chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm, giãn thuế cho người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng đang phục hồi và phát triển.

Về định hướng quản lý, tổ chức vận hành thị trường trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ TTCK phát triển. Riêng về vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường, hiện nay, hệ thống KRX đang được cấp tốc triển khai và các thành viên có thể tin tưởng vào thời hạn vận hành chính thức chỉ còn tính theo tháng. Tuy nhiên, “vấn đề hệ thống công nghệ cho thị trường phải đảm bảo tính liên tục, cập nhật, hiện đại, do đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, đề xuất để xây dựng thêm các dự án công nghệ khác, đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường trong tương lai” – Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Cũng tại buổi gặp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, cơ quan quản lý sẽ xử lý rất nghiêm các trường hợp sai phạm trên thị trường để TTCK hoạt động lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện cho các thành viên, doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính.

Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai hàng loạt các giải pháp về hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thêm hàng hóa mới, chất lượng, thúc đẩy tiến trình nâng hạng,… để tạo sư hấp dẫn cho thị trường, qua đó giúp TTCK Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng chiều sâu, minh bạch và bền vững.

PV
Nguồn tin: https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/tiep-tuc-tao-moi-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-ho-tro-thi-truong-chung-khoan-phat-trien-350216.html